Một số điều khoản tại Điều 249, Điều 250, Điều 252 BLHS 2015 bị trùng lặp tình tiết định khung hình phạt. Sai sót sẽ khiến các cơ quan tố tụng không biết áp dụng khoản nào với người phạm tội…
Mới đây, gửi email đến Pháp Luật TP.HCM, luật sư Vũ Xuân Hoằng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Vừa qua ông phát hiện trong cuốn sách về BLHS 2015 do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành có một số lỗi nghiêm trọng.
Trùng lặp về tình tiết định khung hình phạt
Cụ thể, tại Điều 249 BLHS 2015 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), điểm h khoản 2 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm c khoản 3 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kg đến dưới 75 kg”. Như vậy, gặp trường hợp người phạm tội tàng trữ trái phép từ 25 kg đến dưới 75 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca thì các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 2 (mức án từ từ năm năm tù đến 10 năm tù) hay khoản 3 (mức án từ 10 năm tù đến 15 năm tù).
Tương tự, tại Điều 250 BLHS 2015 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm i khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”. Tức là khi người phạm tội vận chuyển trái phép từ 10 kg đến dưới 25 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca, các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 1 (mức án từ hai năm tù đến bảy năm tù) hay khoản 2 (mức án từ bảy năm tù đến 15 năm tù).
Chưa hết, tại Điều 252 BLHS 2015 (tội chiếm đoạt chất ma túy), điểm d khoản 1 quy định trùng lắp về trọng lượng ma túy với điểm h khoản 2 là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kg đến dưới 25 kg”. Tức là khi người phạm tội chiếm đoạt từ 10 kg đến dưới 25 kg lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca, các cơ quan tố tụng sẽ không biết xử lý theo khoản 1 (mức án từ một năm tù đến năm năm tù) hay khoản 2 (mức án từ năm năm tù đến 10 năm tù).
Trao đổi thêm với PV, luật sư Hoằng nói sau khi phát hiện các lỗi trên, ông đã liên hệ, thông báo cho NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật. Ngày 29-3, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật có văn bản cám ơn ông đã quan tâm và đọc sách của NXB. Về phát hiện của ông, NXB trả lời như sau: “Văn bản Bộ luật Hình sự in trong cuốn sách Bộ luật Hình sự là toàn văn nội dung Bộ luật hình sự được Quốc hội nước CHXHCNVN khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015, đây cũng chính là nội dung được in trên Công báo nước CHXHCNVN - ấn phẩm thông tin pháp lý chính thức của Nhà nước”.
Từ đó, NXB tiếp thu phát hiện của ông và cho biết sẽ gửi ý kiến góp ý này tới ban dự thảo BLHS (Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan có liên quan) để giải quyết. Sau khi có ý kiến từ phía các cơ quan chức năng, NXB sẽ tiếp thu, chỉnh sửa hoàn chỉnh nội dung để phục vụ kịp thời nhu cầu của bạn đọc.
Theo luật sư Hoằng, lỗi trùng lặp trong BLHS 2015 nói trên không phải là lỗi in sai của NXB. Theo ông biết thì đến nay, Quốc hội chưa có ý kiến nào về vấn đề này.
Chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền điều chỉnh?
PV Pháp Luật TP.HCM đã kiểm tra BLHS 2015 đăng tải trên website Công báo của Chính phủ (http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-100_2015_QH13-(18442)?cbid=18447) thì thấy đúng là có các lỗi như trên. BLHS 2015 được đăng tải trên website của một số bộ, ngành, cơ quan nhà nước, website chuyên về văn bản pháp luật cũng có các lỗi này. Và không chỉ riêng NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, sách về BLHS 2015 của nhiều NXB khác như Hồng Đức, Thế Giới… cũng có các lỗi như vậy.
Khoản 2 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật đăng trên Công báo là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc”. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải khắc phục các lỗi này trong BLHS 2015 như thế nào?
ThS Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm) nhận định, sai sót đáng tiếc trong BLHS 2015 có thể xuất phát từ khâu soạn thảo hoặc ở khâu đăng công báo chứ không phải là lỗi do kỹ thuật lập pháp. “Khả năng rất lớn là do lỗi đánh máy. Nhưng dù thế nào thì sai sót này cũng tạo dư luận không tốt về một bộ luật vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội” - ThS Hùng nói và đề xuất ba phương án giải quyết:
Thứ nhất, nếu lỗi xuất phát từ việc đăng công báo thì ban soạn thảo BLHS 2015 cần chứng minh bằng bản gốc đã được Quốc hội thông qua để cho rút lại công báo và đăng công báo mới, đồng thời thông tin rộng rãi đến nhân dân. Theo ThS Hùng, cách này nhanh gọn, đơn giản nhưng chưa có tiền lệ.
Thứ hai, nếu ban soạn thảo để xảy ra lỗi trong văn bản mà Quốc hội đã thông qua thì chỉ có Quốc hội mới có quyền điều chỉnh. Bởi lẽ khoản 1 Điều 78 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định rõ: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thứ ba, nếu ban soạn thảo cung cấp nhầm bản để đăng công báo không phải là văn bản mà Quốc hội đã thông qua thì cần phải rút lại công báo và đăng công báo mới, đồng thời thông tin rộng rãi đến nhân dân.
Theo ThS Hùng, các cơ quan chức năng liên quan cần phải xem xét, giải quyết dứt điểm vấn đề này trước ngày BLHS 2015 có hiệu lực (ngày 1-7-2016), nếu không sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật.
Trong khi đó, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM) khẳng định hiện nay chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không một cơ quan nào, không một ai có quyền giải thích, điều chỉnh sai sót trong BLHS 2015.
Theo Thẩm phán Long, trước đây khi BLHS 1999 có hiệu lực cũng phát hiện có lỗi ở khoản 1 và khoản 2 Điều 140 (tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) vì không quy định về trường hợp chiếm đoạt đúng số tiền 50 triệu đồng (chỉ quy định về chiếm đoạt dưới 50 triệu đồng và trên 50 triệu đồng). Vào thời điểm đó BLHS 1999 đang có hiệu lực thi hành nên phải chờ tới mấy năm sau, khi có đợt sửa đổi, bổ sung BLHS 1999 thì lỗi này mới được sửa.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền giải thích, ra văn bản điều chỉnh BLHS 2015 trước ngày 1-7-2016. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội không giải thích, điều chỉnh mà để qua ngày 1-7-2016 thì phải chờ đợt sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 kế tiếp mới sửa sai được” - Thẩm phán Long nói.
Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan chức năng và thông tin tiếp tới bạn đọc.
Ủy ban Tư pháp sẽ kiểm tra, rà soát ngay PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với ông Nguyễn Công Hồng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra và tham gia quá trình hoàn thiện dự thảo BLHS 2015 trước khi trình Quốc hội thông qua). Ông Hồng cho biết quá trình thảo luận, quyết định thông qua đạo luật này ở Quốc hội thời gian khá hạn hẹp nên có thể có những sai sót. “Tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo ủy ban để có kiểm tra, rà soát ngay. Không chỉ về ba điều luật báo nêu mà rà lại toàn bộ” - ông Hồng khẳng định. Liên quan đến sự việc này, đại biểu Quốc hội Hà Hùng Cường (người vừa được miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo BLHS 2015) cho hay ông cũng có băn khoăn với chất lượng của BLHS. Theo ông Cường, khi Quốc hội quyết định làm BLHS thật chi tiết, Chính phủ đã đề nghị tăng thêm thời gian thảo luận lên ba kỳ họp như với BLDS. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình nên BLHS đã được làm theo quy trình hai kỳ họp như các luật khác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc rà soát của Ủy ban Tư pháp sẽ phải dựa trên các tài liệu bằng giấy, bao gồm BLHS phát hành chính thức, các dự thảo trước khi thông qua. Có như vậy mới kết luận chắc chắn được về sai sót này. NGHĨA NHÂN |
Theo PLO