Đồng chí Nguyễn Hữu Minh:
Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu quan trọng là: Tăng cường vững chắc đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện tốt an sinh xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của huyện, phấn đấu xây dựng Kỳ Sơn phát triển toàn diện, sớm thoát khỏi huyện nghèo.
Để đạt được điều đó, huyện xác định 3 khâu đột phá như sau:
Thứ nhất: Đổi mới mạnh mẽ nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại và tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc, dòng họ trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân
Thứ hai: Thực hiện giao đất gắn với giao rừng đến hộ gia đình, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, hình thành và phát triển các vùng kinh tế sản xuất nông lâm nghiệp tập trung quy mô chuỗi giá trị, kết hợp phát triển dược liệu dưới tán rừng
Thứ ba: Cơ cấu lại nền kinh tế của huyện theo hướng hàng hóa, phát triển quy mô sản xuất, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm của huyện Kỳ Sơn; phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và làm sâu sắc thêm về quan hệ đối ngoại với các địa phương giáp biên giới của nước bạn Lào.
Xác định được hướng phát triển đó, sẽ là cơ sở quan trọng để huyện Kỳ Sơn đề ra chủ trương, chính sách phù hợp theo từng giai đoạn cụ thể. Ngày sau thành công của Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Kỳ Sơn lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện đã tập trung tuyên truyền và hướng dẫn các cấp, ngành đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai sâu rộng nội dung 3 khâu đột phá quan trọng của huyện.
PV: Rõ ràng, chỉ trong thời gian ngắn thực hiện, Kỳ Sơn đã có bước chuyển biến rất rõ nét trong tất cả các lĩnh vực. Vậy đồng chí cho biết một số kết quả cụ thể?
Đồng chí Nguyễn Hữu Minh:
Thời gian qua, huyện đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và kịp thời ban hành Chương trình công tác, kịch bản tăng trưởng, giao chỉ tiêu, kế hoạch để các đơn vị, các xã, thị trấn chủ động thực hiện.
Cùng với đó, huyện tập trung tổ chức thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa tích cực chỉ đạo phát triển kinh tế, nhất là chỉ đạo sản xuất vụ Hè thu – Mùa, vụ chính trong năm của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Kỳ Sơn; phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đảm bảo an sinh xã hội; công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác quản lý, bảo vệ rừng... với sự nỗ lực của các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn, sự quan tâm giúp đỡ của TW và Tỉnh, huyện Kỳ Sơn đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện Kỳ Sơn luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Trung ương và Tỉnh thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình nông thôn mới, nguồn cân đối từ Ngân sách Tỉnh… Kỳ Sơn đã vươn lên, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, góp phần an sinh xã hội tạo tiền đề cho phát triển kinh tế trong huyện.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật là thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy các sản phẩm lợi thế của địa phương như: gừng, khoai sọ, bí xanh, dưa Mông, cải ngọt do đồng bào Mông trồng trên các sườn núi, ...
Huyện đã đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ phù hợp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cho cây trồng, kết hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của huyện; mở rộng diện tích trồng rau sạch trên các nương rẫy theo đúng mùa vụ. Mở rộng diện tích các loại cây công nghiệp, có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng của huyện; phát triển cây Dược liệu như Sâm Phuxailaileng, Hà thủ ô, đẳng sâm, tam thất, 7 lá một hoa... tại các xã vùng cao.
Từng bước thực hiện chuyển mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung trong các trang trại, gia trại, nông hộ; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, như tổ hợp tác xã nghề nghiệp chăn nuôi gà đen Mường Lống, HTX Khe Nhinh xã Hữu Kiệm; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; phát triển chăn nuôi gắn với vấn đề xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.
Phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2021, tổng đàn trâu lên 9.600 con, tổng đàn bò lên 39.800 con, tổng đàn lợn 26.000 con, tổng đàn gia cầm tăng lên 150.000 con….
Tiếp tục bảo vệ diện tích rừng phòng hộ và rà soát lại quỹ đất, cân đối hợp lý diện tích rừng phòng hộ và đất sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện giao đất giao rừng, gắn lợi ích của người dân trong công tác quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng. Phát triển diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái như: pơ mu, sa mu và các loại cây dược liệu dưới tán rừng.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của trung ương, tỉnh thông qua các đề án, chương trình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế... Nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Chuyển giao, tập huấn cho người dân việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó đã góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo đúng hướng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nhất các sản phẩm thế mạnh của huyện (chè Tuyết San, Gừng, chăn nuôi gia súc có sừng, rau thực phẩm). Thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới...
PV: Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid – 19, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu của huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vậy đồng chí cho biết những giải pháp phát triển phù hợp trong tình hình mới?
Đồng chí Nguyễn Hữu Minh:
Do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung, trong đó huyện Kỳ Sơn cũng không ngoại lệ. Là huyện biên giới có số đường biên, mốc giới dài trên 203 km, tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào, chính vì vậy công tác kiểm soát, phòng, chống dịch được Huyện ủy và chính quyền huyện Kỳ Sơn triển khai rất kịp thời, cùng với tăng cường kiểm tra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của huyện cũng thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với UBND 21 xã thị trấn, 7 Đồn biên phòng và lực lượng chức năng của các xã, để kịp thời chỉ đạo triển khai phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ y tế. Nhất là tăng cường lực lượng kiểm soát, chốt chặn trên tuyến biên giới không để người dân vượt biên trái phép qua các lối mòn.
Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện nghiêm khuyến cáo ”5K” của Bộ y tế, huyện cũng chỉ đạo các xã vận động, hướng dẫn người dân tích cực sản xuất vụ Hè thu - Mùa năm 2021, với tổng diện tích gieo trồng hơn 6.544 ha lúa rẫy, 740 ha lúa và gần 1.400 ha cây ngô. Đây được coi là vụ sản xuất chính trong năm, cung cấp đến 70% nguồn lương thực cho người dân huyện Kỳ Sơn trong năm.
Đặc biệt, đầu năm 2021, Huyện Kỳ Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ an, tổ chức khảo sát, đánh giá và định hướng phát triển xã Na Ngoi. Cụ thể, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn trên 17.000 ha, khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ. Đặc biệt có đỉnh núi Pu Xai Lai Leng cao 2.720 mét so với mức nước biển, xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn, có tiềm năng lớn để xây dựng cụm Công - Nông nghiệp, kết hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh núi Pu Xai Lai Leng.
Để đánh thức tiềm năng lợi thế tự nhiên của xã Na Ngoi, trở thành một “Sa Pa” của Xứ Nghệ, thành một “Đà Lạt” thứ 2, huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Tập đoàn Thiên Minh Đức, quy hoạch, đầu tư xây dựng cụm Công - Nông nghiệp, kết hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh núi Pu Xai, với diện tích 2.000 ha.
Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Minh Đức cũng đang hỗ trợ huyện, quy hoạch và trực tiếp đầu tư xây dựng khu đô thị văn minh tại Khối 1 thị trấn Mường Xén và bản Hòa Sơn xã Tà Cạ. Đây là khu đô thị hiện đại nhất các huyện Miền Tây, bao gồm chuỗi nhà nghỉ và dịch vụ, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến Kỳ Sơn sau này.
Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án (29 đề án, dự án theo chương trình hành động của Đại hội huyện đảng bộ) gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc (Mông, Thái, Khơ Mú). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục Nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí tự lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời xây dựng các công trình quốc phòng trọng điểm trong khu vực phòng thủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, an ninh; Thường xuyên tuần tra, canh gác, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là an ninh biên giới quốc gia. Tiếp tục được tăng cường công tác đối ngoại với các huyện, tỉnh nước CHDCND Lào trên cả 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!