Cuộc tập trận hải quân rầm rộ của 22 nước diễn ra trong bối cảnh khu vực Châu Á-TBD đang nóng bỏng bởi sự "quay trở lại" của Mỹ.

778266_small_77548.jpg

  Tàu chiến các nước đang di chuyển đến Hawaii để tham gia RIMPAC 2012

Hàng loạt tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu đến từ 22 quốc gia vừa khởi động cuộc tập trận với tên gọi Vành đai Thái Bình Dương 2012 (RIMPAC 2012) ở quần đảo Haiwaii, Mỹ. Đây được xem là cuộc tập trận hải quân định kỳ lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm một lần.

Diễn ra trong thời gian từ 29/6 đến 3/8, cuộc tập trận RIMPAC 2012 có sự tham gia của 42 tàu chiến, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh lính đến từ 22 nước trên khắp thế giới. 22 nước này gồm có Nga, Australia, Canada, Chile, Colombia, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na-uy, Peru, Hàn Quốc, the Philippines, Singapore, Thái Lan, Tonga, Anh và Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1971, RIMPAC ngày càng thu hút thêm nhiều nước và quy mô cũng ngày càng lớn hơn. Nếu như năm 2006 chỉ có 8 nước tham gia thì con số này tăng lên thành 10 vào năm 2008 rồi 14 vào năm 2010. Năm nay, hải quân Nga lần đầu tiên góp mặt tại RIMPAC và nước này điều 3 tàu gồm tàu khu trục Đô đốc Panteleyev, tàu chở dầu Boris Butoma và tàu cứu hộ Fotiy Krylov thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đến tập trận.

Theo quân đội Mỹ, RIMPAC 2012 là “cơ hội hiếm có để các nước tham gia phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác trọng yếu, đồng thời đảm bảo an toàn cũng như an ninh các tuyến hàng hải”.

Cuộc tập trận hải quân hoành tráng nhất thế giới năm nay do Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chủ trì dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Gerald Beaman. Ông Beaman là Chỉ huy Hạm đội thứ Ba của Mỹ.

RIMPAC 2012 đánh dấu việc lần đầu tiên các sĩ quan cấp cao đến từ những nước không phải Mỹ chỉ huy các đơn vị khác nhau trong lực lượng tham gia tập trận. Cụ thể, Thiếu tướng Hải quân Stuart Mayer thuộc Lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia sẽ chỉ huy đơn vị hải quân. Trong khi đó, Thiếu tướng Michael Hood thuộc Không lực Hoàng gia Canada sẽ dẫn dắt lực lượng không quân tham gia tập trận.

Nội dung tập trận gồm các bài diễn tập đổ bộ, bắn súng, phóng tên lửa, chống tàu ngầm và phòng không. Bên cạnh đó, chương trình tập trận còn có các hoạt động như chống hải tặc, rà mìn, phá chất nổ, lặn và cứu hộ.

Cuộc tập trận hải quân rầm rộ của 22 nước diễn ra trong bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang nóng bỏng bởi sự "quay trở lại" của Mỹ. Washington mới đây tuyên bố, nước này sẽ chuyển trọng tâm an ninh của mình sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Để làm được điều đó, Mỹ đang đặt mục tiêu đưa phần lớn tàu chiến của nước này đến Châu Á đồng thời tăng cường củng cố các mối quan hệ đối tác, hợp tác với các nước trong khu vực. Chiến lược này của Mỹ đang khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.


Theo VOV.vn - ĐT