183942-1.jpgQuân nhân Mỹ trong một cuộc tập trận tại Ba Lan năm 2017. Ảnh: AFP

Theo AFP, cuộc tập trận Saber Strike của quân đội các nước NATO sẽ kéo dài trong khoảng gần 2 tuần, bắt đầu từ 3/6 tới 15/6 tại Ba Lan và các nước vùng Baltic với sự tham gia của khoảng 18.000 binh lính thuộc 19 quốc gia thành viên.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Ba Lan vừa “đánh tiếng” sẵn sàng trả 1,5 - 2 tỷ USD để Mỹ triển khai một căn cứ quân sự thường trực ở nước này nhằm gửi thông điệp đến Nga rằng Mỹ sẽ luôn bảo vệ các đồng minh ở Đông Âu.

Đề xuất của Ba Lan đã bị phía Nga chỉ trích. Điện Kremlin cảnh báo rằng việc triển khai quân đội Mỹ thường trú ở Ba Lan sẽ “không mang lại lợi ích cho tình hình an ninh và ổn định trong khu vực”.

Mỹ bắt đầu tăng cường hiện diện ở sườn đông NATO và cụ thể là ở Ba Lan từ khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014. Mỹ đã thành lập một căn cứ quân sự ở Ba Lan hồi tháng 5/2017 nhằm quản lý 6.000 quân nhân triển khai trong lực lượng NATO và lực lượng Mỹ tại khu vực.

Đây là một trong những động thái triển khai binh sĩ lớn nhất trong lịch sử lực lượng Mỹ ở châu Âu kể từ thời Chiến tranh Lạnh, có ý nghĩa “nắn gân” các hoạt động tập trận của Nga ở gần biên giới các đồng minh ở Đông Âu.

Mỹ cũng đồng thời lãnh đạo các nhóm tác chiến đa quốc gia của NATO ở Ba Lan gồm các quân nhân từ Đức, Anh, Canada nhằm hỗ trợ hoạt động quân sự của các nước Baltic như Estonia, Latvia, Lithuania. Các cuộc tập trận Saber Strikes đều được lên kế hoạch tổ chức tại những địa điểm này.

Nhằm củng cố mối liên minh quốc phòng với Washington, Ba Lan đã quyết định chi 4,75 tỉ USD hồi tháng 3 nhằm mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, một trong những thương vụ mua sắm vũ khí lớn nhất của Warsaw.

Moscow đã lên tiếng phản đối việc triển khai Patriot ở Ba Lan và Romania, nói rằng động thái này vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 và các tên lửa Patriot có thể được chế tạo để tấn công lãnh thổ Nga.