Những y bác sĩ này đã mổ cấp cứu cho một nữ bệnh nhân đang nguy kịch vì chảy máu âm đạo mà không biết chị bị HIV. Họ không trang bị phòng hộ nên đã phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ.
Ca cấp cứu đặc biệt này diễn ra vào ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh nhân đang trên đường cùng con trai 11 tuổi từ Quảng Ninh về thăm quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vừa đến bến xe thì chị có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết, bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và rất nguy kịch. Bệnh viện phải huy động 18 y bác sĩ từ các khoa phòng xuống phòng cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu; bệnh nhân có dấu hiệu sống, tim đập trở lại nhưng máu từ âm đạo vẫn chảy. Vì thế, các bác sĩ quyết định mổ cắt toàn bộ tử cung bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu, không kịp chuyển đến phòng phẫu thuật. Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử nên chỉ có cách này mới bảo toàn được tính mạng người bệnh. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu.
Cả ê kíp đang tiến hành phẫu thuật thì bộ phận xét nghiệm cho biết bệnh nhân bị nhiễm HIV. “Dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thành nốt ca mổ để cứu bệnh nhân. Lúc đấy tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, cấp cứu chậm 1-2 phút có thể không cứu được. Hơn nữa, việc cấp cứu rất nhanh, kết quả xét nghiệm thì sau 10 phút mới có”, bác sĩ Khải nhớ lại.
Theo bệnh nhân, chị bị lây HIV từ người chồng đã mất vì tai nạn giao thông, khi cậu con trai đầu lòng mới được 6 tháng. “Bị phơi nhiễm HIV, chúng tôi cũng không ân hận hay trách cứ ai bởi bệnh nhân đã được cứu sống. Đó là niềm vui, nguồn động viên lớn nhất với những người làm nghề cứu người như chúng tôi”, bác sĩ Khải nói.
18 y bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật cho bệnh nhân, có 3 người mang bầu, đã được kiểm tra sức khỏe và được điều trị theo phác đồ cho người có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Sau 3-6 tháng tới, tất cả sẽ được làm các xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay không. "Khả năng này rất thấp", tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết. Tất cả y bác sĩ này hiện sức khỏe ổn định và đi làm bình thường.
Theo tiến sĩ Ánh, việc cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là công việc bình thường. Thông thường nhân viên y tế biết tình trạng bệnh của bệnh nhân nên đều có sự phòng bị như mặc trang phục bảo hộ đặc biệt và đeo kính phòng vệ cho bản thân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bệnh nhân đưa vào cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh, không kịp làm xét nghiệm máu mà phải cấp cứu ngay mới mong giành được mạng sống. Người nhà cũng không thông báo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Theo VnExress