(Baonghean.vn)- 'Là những người công giáo khi biết tin 154 học sinh con em giáo dân của trường tiểu học Trù Sơn II xã Trù Sơn (huyện Đô Lương) không đến trường học trong mấy ngày vừa qua chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Và càng buồn hơn khi được biết chỉ vì cách ứng xử của người lớn mà đẩy các em vào  nguy cơ  thất học...'.

>>> Vì sao 154 học sinh ở Trường tiểu học Trù Sơn II (Đô Lương) nghỉ học

Sau khi đăng tải bài viết "Vì sao 154 học sinh ở Trường tiểu học Trù Sơn II (Đô Lương) nghỉ học", Báo Nghệ An nhận được nhiều ý kiến của độc giả liên quan đến vấn đề này. Báo Nghệ An xin giới thiệu bài viết của một độc giả đăng trăn trở và lo lắng cho tình trạng này:

"Qua tìm hiểu thấy rằng nguồn cơn của sự việc xuất phát từ việc nghỉ học không xin phép của các em học sinh trường tiểu học trù Sơn II trong mấy ngày rước thánh giá tại Giáo xứ Lưu Mỹ và sự trách phạt của cô giáo đối với các em học sinh này.

images1711740_bna_57fcb1a5e4783.jpgLớp học ở Trường tiểu học Trù Sơn II. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An.

Là những người có trách nhiệm, hãy nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực để loại bỏ những biểu hiện tiêu cực có hại đến tương lai con em của chúng ta.

Thứ nhất, trong Bộ Giáo Luật, quyển III, thiên 3 nói về giáo dục, tại Chương I, điều 796, phần 2 ghi rõ “Các phụ huynh phải cộng tác chặt chẽ với các giáo viên của nhà trường mà họ đã ký thác việc đào tạo con cái mình. Ðối lại, khi thi hành chức vụ của mình, các giáo viên cũng phải cộng tác mật thiết với các phụ huynh”. Soi vào giáo Giáo Luật, các bậc phụ huynh cần thấy được là chúng ta chưa cộng tác chặt chẽ với nhà trường. Giá như chúng ta bày tỏ quan điểm, xin phép giáo viên nhà trường cho con em nghỉ một vài buổi học để tham gia rước thánh giá, nếu nhà trường không chấp thuận, thì mới có thể trách họ là vi phạm quyền tín ngưỡng tôn giáo. Bên cạnh đó, về phía cô giáo Thủy thiếu sót là chưa cộng tác mật thiết với phụ huynh, nên mới để xảy ra sự việc đáng tiếc này.

Thứ hai,cũng trong Bộ Giáo Luật này tại Ðiều 796 có quy định “Trong các phương thế phát triển giáo dục, các tín hữu hãy hết sức lưu tâm đến các trường học vì trường học giúp đỡ cha mẹ cách đặc biệt trong việc chu toàn trách nhiệm giáo dục”. Do đó, việc chúng ta bắt con em nghỉ học là chưa trúng. Mặt khác, việc xử lý cô giáo phải tuân theo quy chế, quy định xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức. Vi phạm đến đâu xử lý đến đó, chúng ta hãy tin tưởng vào sự công tâm của ngành giáo dục và cấp ủy chính quyền.

Là người công giáo, chúng ta hãy nhìn nhận vấn đề trên tinh thần yêu thương, bác ái, vị tha và nhẫn nhục, đừng vì một cái gì đó nhất thời mà làm ảnh hưởng đến con trẻ và toàn xã hội. Hãy hướng con trẻ đến sự vị tha như lời nguyện cầu trong Kinh Hòa Bình “đem yêu thương vào nơi oán thù/Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục/ Ðem an hòa vào nơi tranh chấp/Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.... Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ...”

Thế hệ đi trước chúng tôi luôn văng vẳng bên tai lời vè trong khi học để chịu phép thêm sức “... Đã là người có đạo; chịu phép rửa tội rồi; thì được Chúa ba ngôi; cho làm con yêu Chúa; nhận làm con yêu chúa; nhưng cũng như cây lúa; các em dần lớn lên...” . Chúng ta không nên để con trẻ lớn lên với những hận thù, với những điều đố kỵ với cộng đồng, với xã hội. Nếu chúng ta đơn phương bắt con cái phải nghỉ học thì tự chúng ta chưa làm tròn bổn phận mà Giáo luật quy định, tại Ðiều 795 Bộ Giáo Luật cũng nêu “ Nền giáo dục đích thực phải bảo đảm việc huấn luyện toàn vẹn con người, hướng về mục đích tối hậu của con người, và cả về thiện ích chung của xã hội. Bởi đó, các trẻ em và thanh niên phải được giáo dục làm sao để có thể phát triển điều hòa về mọi mặt”.

Người viết bài này cũng như cộng đồng người công giáo nói chung mong muốn các bậc phụ huynh của 154 học sinh ở Trù Sơn sớm cho con em mình đến trường trở lại. Nếu chúng ta cố chấp thì chính con em chúng ta sẽ bị thiệt thòi, không theo kịp chúng bạn và ảnh hưởng đến tương lai. Xin chúa Thương ban cho những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình."

Người anh em cùng đức tin

TIN LIÊN QUAN