Các nhà làm phim "Mad Max: Fury Road" ra sa mạc, xây dựng và phá hủy 150 mẫu xe chiến đấu nhà binh, huy động 150 diễn viên đóng thế làm thật mọi cảnh hành động.
Mad Max: Fury Road - ra mắt toàn cầu từ hôm 15/5 - nhận được đánh giá cao từ khán giả và giới chuyên môn. Nhiều nhà phê bình nhận định, phim không chỉ là siêu phẩm hành động đỉnh cao, mà còn là mẫu mực của lối làm phim đề cao hiệu ứng hành động trực tiếp từ trường quay. Đây là phong cách làm phim truyền thống của thế kỷ 20.
Bốn năm chọn bối cảnh
Dự án Mad Max: Fury Road khởi động từ năm 2000 nhưng bị chững lại hơn năm năm vì ngân sách lớn - 150 triệu USD, trong khi đồng đô la Mỹ cũng như đô la Australia mất giá vì suy thoái kinh tế. Chiến tranh Iraq nổ ra cũng khiến Mad Max: Fury Road trở thành dự án phim mạo hiểm vì liên quan chính trị.
Quá trình tiền kỳ được hâm nóng vào năm 2006, khi đạo diễn George Miller bắt tay thiết kế kịch bản đồ họa cho từng cảnh (storyboard). George cho biết, ông cần kịch bản đồ họa trước khi có kịch bản phim vì hình dung phim chỉ là các cảnh rượt đuổi liên tiếp trên sa mạc và rất ít lời thoại.3.500 bản vẽ là kết quả của êkíp gồm năm họa sĩ, đưa ý tưởng của đạo diễn thành hình ảnh trên mặt giấy.
Trong cùng thời gian chuẩn bị kịch bản đồ họa, George Miller giao cho người trợ lý thân thiết - Colin Gibson - đi chọn bối cảnh. “Sau khi được George mời vào phim, từ năm 2000, tôi đã đi khắp thế giới, đến những nơi hiếm người từng tới để chọn bối cảnh. Chúng tôi cần một hẻm núi lớn với những vách đá dựng đứng nhưng phải ngay sát gần sa mạc mênh mông".
Colin Gibson kể: "Gần như mọi nơi tôi đến đều có hẻm núi mà không có sa mạc, hoặc có sa mạc nhưng lại quá xa hẻm núi. Ngoài ra, hầu hết địa điểm đẹp và hùng vĩ lại khó có thể chứa được đoàn phim khổng lồ cùng lịch quay phim khắc nghiệt. Cuối cùng chúng tôi chọn sa mạc Namibia”.
Với đoàn phim, Namibia là lựa chọn đắt giá bởi có nhiều bối cảnh nhỏ phong phú – những đụn cát, những bình nguyên, hồ muối và cả lưu vực sông cạn.
150 chiếc xe chiến đấu được dựng rồi phá hủy
Trước khi bước vào giai đoạn ghi hình, đoàn phim dựng 150 xe chiến đấu nhiều mẫu. Colin Gibson cũng chịu trách nhiệm công đoạn này. Ông quan niệm: “Mỗi chiếc xe là một nhân vật có tính cách riêng như con người. Điều kiện thời tiết và địa hình ở trường quay trên sa mạc khiến chúng tôi khó bảo dưỡng những cỗ máy chiến tranh này. Nhưng chính những xước xát và bầm dập do trường quay khắc nghiệt khiến những phương tiện chiến tranh lên hình trông càng đẹp mắt. Vì thế, phim chân thực hơn”.
Trong số chiến xa, ba chiếc xe biểu tượng được thiết kế cho các nhân vật chính. Xe hơi bốn bánh loại nhỏ Interceptor dành cho người hùng Max "điên". Cỗ máy chiến tranh War Rig của nhân vật nữ chính Furiosa là xe 18 bánh, có thùng chở xăng và kết nối với cabin giống như trục tàu. Còn cỗ máy chiến tranh Gigahorse của ác nhân Joe Bất Tử được thiết kế từ mẫu xe cổ điển Cadillac Devilles 1959. Các mẫu xe lớn trong phim được thiết kế như những tổ hợp công nghiệp quân sự cồng kềnh và đồ sộ nhưng dễ dàng di chuyển với tốc độ cao. Ngoài xe tải và phương tiện chiến đấu còn có xe tăng và xe motor để làm cho dàn xe thêm phong phú.
Các nhà sản xuất thuê một công ty chuyên đóng xe tăng cho quân đội Mỹ để tạo ra 150 xe dã chiến trong phim. Lượng xe nhỏ hơn luôn bám sát các cỗ máy chiến tranh lớn, giống như đàn cá nhỏ bơi cùng cá mập để sống ký sinh.
Trên trường quay, hầu hết loại xe trông giống quái thú này đều chạy với tốc độ gần 100 km/giờ. Đoàn phim sử dụng máy quay trực thăng để ghi hình cảnh hơn 80 xe cùng chạy trong trường đoạn rượt đuổi cuối phim. “Bộ phận quay phim nhiều lúc rất khiếp đảm. Họ sợ sẽ lỡ không ghi hình kịp một góc nào đó của toàn khung cảnh 80 xe cùng chạy. Chúng tôi phá hủy hơn nửa số xe sau khi được dùng ghi hình trên phim”, Colin Gibson kể. (Xem thêm 12 cỗ máy chiến tranh và phương tiện vận chuyển độc đáo của Mad Max).
Mọi cảnh mạo hiểm đều làm thật
Mad Max thực hiện 90% các cảnh phim ở trường quay thật. Mọi cảnh hành động và mạo hiểm trong phim đều do dàn sao hoặc dàn diễn viên đóng thế lên đến 150 người thực hiện. Êkíp làm phim gần như không áp dụng công nghệ vi tính (CGI), trừ khi để làm nổi bật không gian rộng lớn của bối cảnh Namibia, xóa các giá đỡ thiết bị và vẽ tay giả (một bên tay nhân vật bị cụt) cho chiến binh Furiosa do Charlize Theron thủ vai.
Lý giải về lựa chọn gần như đi ngược với thời đại, đạo diễn George Miller chia sẻ: “Đây không phải là phim giả tưởng. Trong phim không có rồng hay tàu vũ trụ. Đây là một phim chân thực. Một câu chuyện về tâm lý cuồng điên của con người khi bị đẩy vào thế giới hậu tận thế cực đoan và bên bờ diệt vong. Chúng tôi cần làm mọi thứ thực sự chân thật".
Trong dàn sao đóng thế 150 người, có nhiều tên tuổi ở Hollywood như Keir Beck, Dayna Grant, Guy Norris, Richard Norton và Greg van Borssum. Họ từng có những cảnh hành động trong các phim giành giải Oscar về hiệu ứng hình ảnh. Họ thực hiện những pha nhào lộn từ chiến xa này sang chiến xa khác trong khi các xe đều đang di chuyển, hoặc khi các lái xe chèn và đâm nhau trên sa mạc. Dây cáp treo bảo hiểm được dùng để hỗ trợ cho những cảnh mạo hiểm tốc độ. Sau đó, công nghệ vi tính CG xóa những dây cáp này trên hình.
Guy Norris là diễn viên đóng thế chịu trách nhiệm nhiều cảnh, trong đó có cảnh lái xe tải 12 tấn đâm vào chiến xa nặng gần 20 tấn của nữ chính Furiosa. Ông chia sẻ, ông thích thú nhất cảnh các diễn viên đóng thế bị buộc vào ngọn những cây cột cao. Những cây cột này được buộc chặt trên những chiến xa của một nhóm quân cảm tử. Để làm được pha hành động tốc độ mạo hiểm như xiếc, nhóm diễn viên đã tập luyện trong tám tuần.
Nữ diễn viên Dayna Grant đóng thế cho minh tinh Charlize Theron trong vai đả nữ Furiosa cụt tay cũng có hàng loạt pha ngoạn mục như: phóng mô tô lao qua ngọn lửa hoặc không ngần ngại đu người dưới gầm chiếc xe tải chở xăng đang lao nhanh.
“120 ngày ghi hình phim là 120 ngày mạo hiểm”, George Miller nói. Không ít cảnh hành động có nguy cơ đoạt mạng hay gây thương tích cho diễn viên nhưng sau khi quá trình quay phim kết thúc, không có thương vong nào xảy ra.
Sau thời gian ghi hình và làm hậu kỳ, tác phẩm ngốn hơn 150 triệu USD, cao hơn gấp nhiều lần so với tổng kinh phí sản xuất của ba phần phimMad Max trước đây. Kinh phí sản xuất các phần trước của Mad Max lần lượt là 650,000 USD, hai triệu USD và 12,3 triệu USD.
Video hậu trường bom tấn "Mad Max: Fury Road" |
Theo VNE