Thị trấn có lửa trong lòng đất ở Mỹ hay hòn đảo hình con thuyền ngoài khơi biển Nhật Bản là những địa điểm từng thịnh vượng và đông đúc bị bỏ hoang, không người sinh sống.
Varosha, Cypr: Nơi đây đã từng là điểm du lịch nổi tiếng ở Địa Trung Hải vào những năm 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, hiện nay Varosha chỉ còn là đống đổ nát, cả thành phố bị bỏ hoang. Vào năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang chiếm đóng Síp, 15.000 người đã chạy trốn khỏi thành phố. Nhiều người ra đi và hy vọng một ngày có thể quay trở lại, tuy nhiên do những bất ổn chính trị điều đó đã không xảy ra. Ảnh: Newyorktimes. Craco, Italy: Craco là thị trấn thuộc vùng Basilicata miền nam Italy. Thị trấn cổ đã bị bỏ hoang do thiên tai. Rất nhiều trận lở đất cũng như lũ lụt đã xảy ra ở đây và cuối cùng, thị trấn đã bị bỏ hoang sau trận động đất vào năm 1980. Hiện tại, Craco là điểm du lịch và quay phim nổi tiếng. Nhiều bộ phim và chương trình truyền hình đã ghi hình tại đây, trong đó có Quantum of Solace và The Passion of the Christ. Ảnh: Urbanghostsmedia. Kayakoy, Turkey: Kayakoy đã từng là khu vực đông dân cư và phát triển với hơn 2.000 người Hy Lạp. Vào năm 1923, sau cuộc chiến tranh Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, ngôi làng đã bị bỏ hoang, và những người từng sống ở đây cũng bị cấm quay trở lại. Hiện nay, một số ngôi nhà đã được khôi phục, tuy nhiên, phần lớn khu vực này vẫn bị bỏ hoang, chỉ có khách du lịch và các nhà quản lý xuất hiện. Ảnh: Atlasobscura. Kolmanskop, Namibia: Thị trấn này được xây dựng vào đầu những năm 1900 sau một công nhân người Đức ở đây tìm thấy kim cương. Thị trấn mang hơi thở của nước Đức và đặc trưng là bệnh viện, nhà máy điện, phòng khiêu vũ, trường học, sòng bạc và phòng thể thao. Nó thậm chí còn có trạm chụp X-quang đầu tiên ở Nam bán cầu. Thị trấn bị bỏ hoang sau khi kim cương trở nên khan hiếm và các nguồn kim cương dồi dào hơn được phát hiện. Hiện tại, nơi đây là địa điểm thu hút khách du lịch và các nhiếp ảnh gia. Ảnh: An Exploring South African. Pripyat, Ukraine: Sau vụ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, thị trấn Pripyat gần đó, nơi sinh sống của công nhân nhà máy và gia đình, đã phải di tản. Thị trấn bị bỏ hoang và biến thành đống đổ nát. Hiện nay, mức độ bức xạ đã giảm đáng kể và khách du lịch có thể tham gia một tour du lịch có hướng dẫn để tới đây. Ảnh: Descopera. Copehill Down, Anh: Copehill Down là một địa điểm huấn luyện quân sự ở Anh được xây dựng trông giống như một ngôi làng. Nơi đây chỉ là một mô hình được dựng lên với mục đích duy nhất là cung cấp một khu vực mô phỏng để luyện tập. Ảnh: Kuriositas. Centralia, Mỹ: Thị trấn khai thác mỏ cũ ở Pennsylvania đã bị bỏ hoang sau khi một trận hỏa hoạn bắt nguồn từ ngọn lửa trong lòng đất xảy ra vào năm 1962. Hiện nay, ngọn lửa vẫn đang âm ỉ dưới mặt đất. Đa số người dân đã rời khỏi thị trấn và chỉ có khoảng 10 người ở lại. Năm 2013, những người ở lại đã đạt được một thỏa thuận cho phép họ sống nốt phần đời còn lại ở đây. Ảnh: Nydailynews. Dollersheim, Austria: Ngôi làng ở Astria được di tản theo lệnh của Hitler vào năm 1938. Ngôi làng vẫn bị bỏ hoang cho đến hiện tại và chỉ còn là những tòa nhà đổ nát. Ảnh: Taringa. Pegrema, Russia: Làng Pegrema thuộc quận Medvezhyegorsky của Cộng hòa Karelia nằm trên bờ hồ Onega có những ngôi nhà bằng gỗ tuyệt đẹp. Tuy nhiên, nó đã bị bỏ rơi kể từ khi Cách Mạng Nga diễn ra và các căn nhà bằng gỗ đã bắt đầu hư hỏng theo thời gian. Ảnh: Atlasobscura. Tawergha, Libya: Thành phố của Libya này đã chứng kiến rất nhiều trận chiến dữ dội trong cuộc Nội chiến Lybia. Trước chiến tranh, thành phố có khoảng 30.000 dân cư nhưng sau đó đã bị bỏ hoang và không còn người ở. Ảnh: Storypick. Oradour-Sur- Glane, Pháp: Vào tháng 6 năm 1944, một đơn vị quân đội của Đức quốc xã đã giết chết 642 người ở đây vì tin rằng thị trấn này ủng hộ kháng chiến Pháp. Một thị trấn mới được xây dựng sau đó, nhưng Tổng thống Charles de Gaulle đã quyết định giữ lại các tàn tích của thị trấn cổ như một đài tưởng niệm đối với các nạn nhân của cuộc tàn sát. Ảnh:Kooxproductions. Đảo Hashima, Nhật Bản: Hòn đảo hoang vu này từng là một trong những nơi có mật độ dân số đông nhất trên thế giới, nhưng bây giờ tan hoang và vắng bóng người. Hòn đảo là nguồn cảm hứng cho những nơi ẩn náu trong bộ phim Skyfall của Jame Bond. Hòn đảo là thuộc địa khai thác than vào năm 1887. Đến thập niên 50 của thế kỷ XX, nơi đây chỉ rộng hơn 6 ha là nơi ở của hơn 5.200 người. Mỏ than đóng cửa vào năm 1974, và đảo đã bị bỏ hoang từ đó. Ảnh: SBS.
Theo Zing