(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” do UBND tỉnh tổ chức vào sáng 23/12.

Các đồng chí: Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.

images1429442_6.jpgToàn cảnh hội nghị.

Thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (gọi tắt là Đề án 258), UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức chức triển khai Luật giám định tư pháp và nhiều hoạt động khác để triển khai hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm, các đơn vị đã tổ chức giám định được 13.446 vụ việc trên các lĩnh vực: pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính - thuế, xây dựng. Việc thực hiện giám định đảm bảo yếu tố khách quan, chính xác, cơ bản đáp ứng về thời gian, chưa xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giám định.

Bà Nguyễn Thị Quế Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp trình bày báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án 258.

Đánh giá chung qua 5 năm triển khai đề án, công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp. Hoạt động tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tránh oan sai, là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng trong các vụ án.  

Bên cạnh đó, nhiều tồn tại, hạn chế cũng được chỉ rõ như: công tác tuyên truyền chưa thường xuyên dẫn đến người dân chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp; đội ngũ giám định viên còn kiêm nhiệm, hiệu quả hoạt động chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp chưa được quan tâm đúng mức...

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị cần quan tâm hỗ trợ chế độ cho đội ngũ giám định viên tư pháp và tăng thêm biên chế cho Trung tâm Giám định Pháp y để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời gian tới.
Đại tá Đậu Xuân Đông - Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh) đề nghị cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác giám định tư pháp của các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện Sở Y tế, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề như chế độ chính sách cho đội ngũ giám định viên tư pháp, khó khăn trong hành lang pháp lý, sự phối hợp giữa các đơn vị...

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Lê Xuân Đại đánh giá cao những kết quả của các đơn vị trong việc thực hiện Đề án 258. Song, với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra thì các ngành, đơn vị cần thẳng thắn nhìn nhận, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ giám định viên, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động giám định tư pháp.

Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần phải rà soát, thống kê đánh giá năng lực, khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của đội ngũ giám định viên; tiếp tục đánh giá thực trạng vật chất, phương tiện  phục vụ hoạt động để có kế hoạch đầu tư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có nhiều giải pháp  để triển khai tốt hơn công tác tư pháp trên địa bàn.

Tại hội nghị, 4 tổ chức và 9 cá nhân đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án 258.

4 tập thể, 9 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong việc thực hiện đề án 258.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN