Ngày 21/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường.

Toàn cảnh phiên làm việc ngày 21/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội đã nghe các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân, về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong đó, về công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng. Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 2.280 tỷ đồng và 101.871,8 m2 đất; thu hồi trên 1.349 tỷ đồng và 29.276 m2 đất, tạm giữ 1 sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng, hơn 8 tỷ đồng, 3 bất động sản, đồng thời ngăn chặn giao dịch đối với 01 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023. Ảnh: Nam An

Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can­­; tạm đình chỉ điều tra 26 vụ án/65 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ án/3 bị can; thay đổi tội danh, tách/nhập 25 vụ án/28 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hủy quyết định khởi tố 2 vụ án/1 bị can; hiện đang điều tra 544 vụ án/1.635 bị can.

Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng tăng 22,8% so với năm 2022 với 4.879 việc; trong đó số có điều kiện thi hành 3.374 việc, đã thi hành xong 2.264 việc (tăng 19,47% so với năm 2022), đạt tỷ lệ 67,10%.

Tổng số tiền phải thi hành là hơn 97,2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7,6 ngàn tỷ đồng so với năm 2022); trong đó, có điều kiện thi hành hơn 49,6 ngàn tỷ đồng và đã thi hành xong hơn 20,4 ngàn tỷ đồng, tăng 27,62% so với năm 2022, đạt tỷ lệ 41,11%.

Theo báo cáo của các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2023, có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa có nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.

Trong ngày làm việc, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến thảo luận. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.