Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá cao vai trò chủ động của các cơ quan chủ quản trong việc triển khai Quy hoạch báo chí. Ngày 1/10 tới, TP.HCM sẽ là cơ quan chủ quản đầu tiên làm việc với Bộ TT&TT về việc triển khai quy hoạch này.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Phổ biến Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 diễn ra sáng nay, 25/9/2015 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao, nêu cao vai trò chủ động của các cơ quan chủ quản báo chí trong việc triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí). Các cơ quan chủ quản cần phải có bước đi, lộ trình kế hoạch sắp xếp báo chí của địa phương và ngành mình”.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị sáng 25/9/2015 ở Hà Nội. Ảnh: B.M

“Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan chủ quản có nhiều cơ quan báo chí xem xét, tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện. Chúng tôi đã có kế hoạch ngày 1/10 tới sẽ làm việc với TP.HCM và một số tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác để bàn bạc, trao đổi cách sắp xếp quy hoạch báo chí. Trong đó, TP.HCM hiện có 18 cơ quan báo chí. Chúng tôi sẽ cùng với lãnh đạo TP.HCM để bàn bạc, xem xét sắp xếp hợp tình hợp lý, tránh gây xáo trộn lớn, nhất là cho đội ngũ phóng viên. Có thể 1 số tờ báo có lượng độc giả lớn, tầm ảnh hưởng lớn, truyền thống phát triển lâu đời thì sẽ chuyển đổi cơ quan chủ quản lớn hơn để đảm bảo tính định hướng tốt hơn, sát sao hơn, tránh để xảy ra sai sót đáng tiếc như trong thời gian qua”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

“Việc sắp xếp quy hoạch báo chí phải làm thực hiện theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đồng thời, phải tính đến sự đặc thù của những cơ quan báo chí không phải cơ quan báo chí lớn nhưng có vai trò, tác động lớn, có số lượng bạn đọc lớn và có ảnh hưởng xã hội lớn. Cần phải xem xét cụ thể chứ không làm máy móc, cứng nhắc theo kiểu cứ yêu cầu bỏ là bỏ. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ làm thận trọng, tránh để tác động gây ảnh hưởng lớn đến đội ngũ những người làm báo”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị phổ biến, quán triệt Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Ảnh: B.M

Về hiện trạng có những cơ quan chủ quản có rất nhiều đầu mối báo chí, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu một số dẫn chứng cụ thể về việc triển khai quy hoạch.

“Ví dụ Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam có hơn 100 báo, tạp chí, nhưng chỉ có 1 – 2 báo, tạp chí trực thuộc Liên hiệp, do Liên hiệp là cơ quan chủ quản. Số tạp chí khoa học kỹ thuật chuyên ngành khác đều là của các hội viên Liên hiệp. Chúng tôi xác định ưu tiên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở các viện nghiên cứu, trường đại học, hội chuyên ngành... những ấn phẩm chuyên  thể hiện các tác phẩm, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ... Những tạp chí đó vẫn cơ bản giữ nguyên.

Trong các trường đại học hiện nay cũng đều có tạp chí. Trong quá trình thực hiện Đề án Quy hoạch báo chí, chúng tôi vẫn cấp giấy phép để các trường đại học ra tạp chí để đăng những công trình nghiên cứu khoa học, bài viết của nghiên cứu sinh”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm.

Ngoài ra, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cũng lưu ý thêm về xu hướng phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện: “Báo chí đa phương tiện là xu hướng tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, việc chuyển đổi thành mô hình báo chí truyền thông đa phương tiện cũng là xu hướng tất yếu, đòi hỏi năng lực quản lý của lãnh đạo cơ quan báo chí cần phải phát triển theo kịp xu thế của thời đại, nếu không theo kịp thì sẽ bị tụt hậu. Các cơ quan báo chí phải nâng cấp trang thiết bị, hệ thống hạ tầng của mình; phải đào tạo vào bồi dưỡng phóng viên trở thành phóng viên truyền thông đa phương tiện”

Theo Quy hoạch báo chí đến năm 2025, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Theo infonet