11 đồ chơi Trung thu truyền thống đưa ta trở về tuổi thơ

(Baonghean.vn) - Mỗi năm một lần, Tết Trung thu là dịp mọi trẻ nhỏ háo hức, mong đợi nhất. Cuộc sống thay đổi, những đồ chơi trong dịp Trung thu cũng thay đổi theo thời gian.

1. Đèn ông sao: Nhắc tới đồ chơi Trung thu thì không thể không kể tới những chiếc đèn ông sao. Đây là một trong những món đồ chơi quá đỗi quen thuộc đối với tuổi thơ mỗi người, đến nỗi mỗi dịp Trung thu tới thì ai nấy cũng đều nhớ đến những chiếc đèn ông sao đầy màu sắc. Đối với đèn ông sao, dù là ngày xưa hay bây giờ, chiếc đèn 5 cánh vẫn là món đồ chơi được các em bé rất yêu thích.
2. Đèn lồng giấy xếp: Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Đèn lồng có đủ hình thù, kiểu dáng, to nhỏ, có thể dùng vải bọc đèn thay giấy làm cho ánh sáng thêm huyền ảo lung linh.
3. Đèn lồng từ vỏ lon: Tuổi thơ gắn liền với những chiếc đèn lồng từ vỏ lon, đơn giản, dễ làm và là món quà chan chứa yêu thương mà mỗi người cha người mẹ muốn gửi gắm cho đứa con của mình. Những chiếc đèn lồng từ vỏ lon là một trong những đèn lồng về tuổi thơ không ai có thể quên.
4. Đèn kéo quân: Ngày nay, không có nhiều trẻ em biết đến đèn kéo quân vì loại đèn này dần mai một và được thay thế bởi nhiều món đồ chơi trung thu khác. Đèn kéo quân được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre gọi là lồng kéo. Đèn kéo quân độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo “biết” xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các “quân”.
5. Đèn cù: Đèn cù hay còn gọi đèn ông sư cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống có mặt trong thời thơ ấu của nhiều thế hệ người Việt Nam. Theo các thế hệ trước, cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù.
6. Mặt nạ Trung thu: Chắc hẳn sẽ khó có ai quên tuổi thơ của mình gắn liền với những chiếc mặt nạ mỗi dịp Trung thu về. Bao nhiêu mặt nạ với đủ hình thù yêu thích: Thủy thủ mặt trăng, Tôn ngộ không, trư bát giới... Tất cả làm nên một nét đẹp truyền thống của Tết trung thu.
7. Đầu sư tử: Đây chính là ước mơ nhỏ các em bé mỗi dịp rằm tháng tám. Hồi bé, mỗi khi được nhìn thấy múa sư tử chắc hẳn chúng ta ai cũng thích thú. Cho đến tận bây giờ, món đồ chơi này vẫn chiếm được nhiều cảm tình của các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ.
8. Trống lắc tay: Ngày xưa loại trống lắc tay này được bày bán rất nhiều là một thứ đồ chơi không thể thiếu khi tết trung thu đến, tuy nhiên ngày nay thì các sạp hàng đã ít bày bán chúng. Trống lắc tay có 2 viên nhựa được gắn vào chiếc dây ngắn hai bên trống, khi bạn lắc chiếc chống thì chúng tạo ra tiếng boong boong rất vui tai và rộn ràng. Đây cũng là loại trống không thể thiếu với trẻ em trong ngày trung thu.
9. Trống ếch: Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em Việt Nam ngày xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết Thiếu nhi.
10. Trống bỏi: Trống bỏi làng Báo Đáp là đồ chơi trung thu dân gian, truyền thống, góp mặt trong bữa tiệc vui đêm trăng của thiếu nhi ngày xưa. Khi quay, trống bỏi tạo ra tiếng “tạch tạch” đanh gọn, vui tai. Thứ đồ chơi “nhà quê” này được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản: đất sét, cán nhựa, que sắt, giấy hồng, dây nilon.
11. Tò he: Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu truyền thống “đánh thức” sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu. Từ những nguyên liệu thân thuộc với ruộng đồng như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre, với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN