Một công dân từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ những ấn tượng và kỳ vọng sau 100 ngày Chính phủ được kiện toàn dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Xin giới thiệu với quý độc giả.
Đây đều là những câu hỏi, những vấn đề cấp bách, thôi thúc tất cả những người quan tâm tới tình hình đất nước. Tại sao sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh? Tại sao bộ máy hành chính vẫn cồng kềnh, làm việc còn trì trệ? Trong nhiều trường hợp, lợi ích nhóm vẫn còn chi phối hoạt động kinh tế, làm méo mó thị trường, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể. Nạn tham nhũng vẫn còn khiến người dân rất bức xúc. Nợ công tăng trong khi hiệu quả đầu tư công chưa cao… Thêm vào đó, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp; tình hình kinh tế thế giới diễn biến khó lường. Việt Nam bước vào hội nhập sâu rộng chưa từng có, bên cạnh những cơ hội là những thách thức gay gắt từ cạnh tranh, ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ, các tập đoàn quốc tế lớn đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bao trùm lên tất cả là yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp và của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Ngày Thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức (7/4/2016), nhân sự của Chính phủ mới vừa được định hình thì hàng loạt thiên tai, “nhân tai” ập đến. Trong khi miền Bắc chịu rét đậm rét hại thì các tỉnh miền Tây hứng chịu xâm nhập mặn, lúa chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Ở miền Trung-Tây Nguyên, hạn hán khiến nhiều nơi ruộng khô, rừng cháy, đất đai nứt nẻ. Trong lúc Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực ứng phó thì cầu Ghềnh tại Đồng Nai bị sập với một nguyên nhân không ai ngờ tới.
Đặc biệt, từ đầu tháng 4, bốn tỉnh miền Trung đối mặt tình trạng ô nhiễm môi trường, thủy sản chết hàng loạt. Người dân không khỏi hoang mang với những đồn đoán vô căn cứ tràn lan trên mạng xã hội. Phải nói rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng chịu sức ép ghê gớm từ dư luận, trong khi việc xử lý đòi hỏi phải khách quan, chặt chẽ, khoa học và đúng pháp luật – đó cũng là yêu cầu từ Thủ tướng.
Hàng loạt vấn đề đè nặng lên vai Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong khi nền kinh tế vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa lâu. Chưa hết, những nỗ lực của Chính phủ còn gặp không ít trở ngại từ cách nghĩ, cách làm lâu nay đã trở thành cố hữu, đó là bệnh “nói mà không làm”, “nói mãi mà vẫn không chuyển” ở nhiều nơi…
Trong bối cảnh đó, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “xốc” ngay vào vấn đề lớn nhất, bao trùm nhất của nền kinh tế, đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong dịp nghỉ lễ Ngày Chiến thắng 30/4, trong khi cả nước nghỉ lễ thì Thủ tướng lần đầu tiên triệu tập tất cả các thành viên Chính phủ với sự tham gia của lãnh đạo tất cả các địa phương, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, hiến kế từ hàng nghìn doanh nghiệp tâm huyết cho tiền đồ phát triển kinh tế đất nước. Tiếp sau đó, Thủ tướng yêu cầu kiên quyết loại bỏ hàng ngàn giấy phép con, tuyên bố “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, hạn chế tối đa các đoàn kiểm tra nhà nước đến doanh nghiệp… từ đó loại bỏ hàng loạt nỗi ám ảnh của các doanh nhân, doanh nghiệp bấy lâu nay…
Trong tất cả các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, trong các cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, hối thúc lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tạo mọi điều kiện cho sinh viên, giới trẻ khởi nghiệp, tạo nhanh hệ sinh thái khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp. Đặt biệt ấn tượng là khi Thủ tướng kêu gọi Bộ Công Thương hãy làm việc với tinh thần Bộ Khởi nghiệp. Đây là những thông điệp rất đúng, rất trúng của Thủ tướng, bởi chỉ qua khởi nghiệp chúng ta mới nhanh chóng có được một thế hệ doanh nhân mới, hình thành làn sóng đầu tư mới. Chỉ có khởi nghiệp, chúng ta mới khơi gọi hết trí tuệ, chất xám của con người Viêt Nam. Qua khởi nghiệp cũng có thể thay thế dần những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, để tới 5 năm sau, chúng ta kỳ vọng có được 1 triệu doanh nghiệp vững vàng làm chủ thị trường trong nước và mạnh dạn vươn ra biển lớn.
Qua 3 lần họp Chính phủ thường kỳ mỗi tháng, Thủ tướng đều nhắc đi nhắc lại những thông điệp lớn. Đó là xây dựng một Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ. Cải tổ lại bộ máy hành chính cồng kềnh, hiệu lực trong thực thi và gắn rõ trách nhiệm cho từng người đứng đầu. Từ những thông điệp ấy tới những hành động cụ thể, niềm tin của người dân được củng cố khi Chính phủ giữ đúng lời hứa trước từng vấn đề, vụ việc như loại bỏ giấy phép con, vụ quán “Xin Chào”, khôi phục cầu Ghềnh hoàn thành trước dự kiến, vụ ô nhiễm môi trường các tỉnh miền Trung, đóng cửa rừng 5 tỉnh Tây Nguyên…
Hơn 100 ngày điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ là hơn 100 ngày của niềm tin được xác lập, 100 ngày của những chuyển biến trong đời sống doanh nhân, doanh nghiệp, 100 ngày nỗ lực đổi mới hoạt động chỉ đạo, điều hành. Con đường phía trước còn rất dài, rất gian nan nhưng chúng ta có quyền hoàn toàn tin tưởng vào một Thủ tướng sâu sát, mạnh mẽ, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, hết lòng, cùng các cộng sự hết sức phục vụ nhân dân.
Theo Chinhphu.vn