"Thông tin sai sự thật" là nhóm hành vi được bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT kể tên đầu tiên khi liệt kê những những nhóm hành vi vi phạm phổ biến của các cơ quan báo chí thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN

Tham luận của bà Đỗ Thị Tình về những vi phạm thường mắc phải của người làm báo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tập huấn công tác kiểm tra năm 2014 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng ngày 4/12 ở Hà Nội.

Trong đó, thông tin sai sự thật là nhóm hành vi được kể tên đầu tiên trong số những hành vi vi phạm phổ biến của các cơ quan báo chí hiện nay.

"Sai phạm về thông tin sai sự thật vô cùng nhiều. Một trong những nguyên do của thông tin sai sự thật là thông tin một chiều, phóng viên chỉ nghe một phía đã vội viết tin bài và tòa soạn đăng rất nhanh. 

Bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh thanh tra Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị sáng 4/12.

Một nguyên nhân khác là có sự cẩu thả trong khâu viết, biên tập, kiểm duyệt nội dung. Có những sai phạm sơ đẳng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng như viết nhầm "thủ trưởng" thành "thủ tướng", hoặc lấy hình ảnh quân đội nhân dân Trung Hoa để minh họa cho chương trình truyền hình về quân đội nhân dân Việt Nam...", bà Đỗ Thị Tình nhấn mạnh.

Sai phạm thường gặp thứ hai là "giật tít câu view" (chủ yếu xảy ra ở các báo điện tử). Kế tiếp là thông tin dung tục, phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục; thông tin về các vấn đề mê tín dị đoan, chưa có kết luận khoa học của cơ quan chức năng.

Quảng cáo sai sự thật, không đúng nội dung đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cũng là một trong những hành vi vi phạm khá phổ biến. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã xử lý nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng (chủ yếu xảy ra ở các trang thông tin điện tử).

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sai phạm liên quan đến việc báo chí thông tin không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình đoàn kết dân tộc; hoặc cơ quan báo chí vô tình tiết lộ bí mật của Nhà nước; tổ chức họp báo sai quy định.

"Một tháng trở lại đây, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, hoạt động kiểm tra, xử lý các sai phạm của cơ quan báo chí được diễn ra rất quyết liệt và không có vùng cấm. Ngay cả các đài truyền hình lớn như VTV, VOV... hay các cơ quan báo chí thuộc Bộ TT&TT cũng bị xử phạt công khai, nghiêm minh", bà Đỗ Thị Tình nhấn mạnh thêm.

Những nội dung cơ bản trong thanh kiểm tra

Cũng tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Tình đã chia sẻ thông tin về 10 nội dung cơ bản mà Bộ TT&TT thường thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn.

Một là, việc thực hiện giấy phép hoạt động báo chí, trong đó có hoạt động của các ấn phẩm chính, ấn phẩm phụ, gồm: Việc thực hiện các quy định về tăng trang, tăng kỳ, thay đổi măng sét, gộp số, mở thêm kênh, mở rộng phạm vi phục vụ; Việc thực hiện giấy phép quảng cáo; Việc thay đổi giấy phép và thời hạn giấy phép.

Hai là, công tác tổ chức, quy trình biên tập nội dung thông tin, bao gồm: Việc thực hiện các quy định về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật của cơ quan báo chí; Việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn nghề nghiệp, đạo đức nhà báo; Công tác tổ chức lực lượng cộng tác viên; Thu thập nguồn tin, biên tập, kiểm chứng thông tin.

Ba là, việc thực hiện tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, gồm: Việc thực hiện các quy định đã ghi trong giấy phép báo chí; Việc thực hiện các quy định về những điều không được thông tin trên báo chí; Tính trung thực, khách quan trong hoạt động cơ quan báo chí.

Bốn là, công tác quản lý tài chính của cơ quan báo chí: chỉ áp dụng với những cơ quan chủ quản (cơ quan chủ quản quản lý cơ quan báo chí thì được quyền kiểm tra tài chính của cơ quan báo chí).

Năm là, hoạt động quảng cáo trong hoạt động thông tin báo chí.

Sáu là, việc thực hiện các quy định về chiếu phim Việt Nam trên truyền hình, quy định rất rõ về tỷ lệ thời lượng chiếu phim, tỷ lệ thời lượng dành cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Bảy là, việc chấp hành các quy định pháp luật về quyền tác giả trong hoạt động báo chí. Ở đây phải xác định rõ phạm vi tác phẩm được bảo vệ như sử dụng tin bài từ các cơ quan báo chí khác hoặc từ nước ngoài.

Tám là, việc thực hiện các quy định của pháp luật về cải chính trên báo chí, bao gồm: thời gian, vị trí, chuyên mục, chuyên trang; đăng các kết luận của cơ quan có thẩm quyền khi có sai phạm, sai sót.

Chín là, việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo cơ quan báo chí. Nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo phải xử lý vì nhiều tin bài của cơ quan báo chí sau khi đăng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như uy tín của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Mười là, các vấn đề khác như việc chấp hành quy định về lưu chiểu báo chí, phương thức phát hành báo chí, thực hiện các nhiệm vụ như phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, hoạt động liên doanh liên kết sản xuất báo chí.

Theo infonet