(Baonghean.vn) - Bao cấp là thời điểm khó khăn và cũng là thời điểm lưu giữ nhiều dấu ấn trong lòng những ai đã từng sống trong thời kỳ đó. Thời bao cấp với mỳ hạt, gạo mậu dịch, chạch trấu om trám, tem phiếu sẽ là những hoài niệm về một thời bao cấp chưa xa.
1. Mỳ hạt (mỳ hột) nấu thay cơm
Mỳ hạt là loại ngũ cốc được Liên Xô cùng một số nước khác viện trợ cho Việt Nam làm thời kỳ thiếu thốn lương thực. Mỳ hạt có hai loại, một loại còn nguyên cả vỏ, còn một loại đã xay bóc vỏ. Thời bao cấp gạo rất ít, nên mỳ hạt được ngâm và nấu thay cơm, sang hơn một chút thì nấu chung với đậu đen. Ngoài ra, người dân còn giã mỳ hạt thành bột làm bánh. Ảnh: Internet 2. Cơm độn khoai, sắn
Do tình trạng thiếu gạo trầm trọng, nên cơm độn khoai, mì, sắn... đã trở thành"bạn đồng hành" của phần lớn các gia đình ở Việt Nam thời kỳ bao cấp. Đến bữa, những hạt cơm trắng chỉ xới lên dành cho người gia, trẻ nhỏ. Cũng có gia đình xéo chung lẫn lộn vào nhau, nhưng cũng chỉ mỗi người 1-2 bát nhỏ mà không có nhiều. Ảnh: Internet 3. Cơm cháy chấm tép kho
Phần cơm cháy ngày nay thường bị bỏ đi sau các bữa cơm gia đình, nhưng vào thời bao cấp cũng là món ngon khi ăn với mắm. Cơm cháy ăn với tép riu hay cá kho khô..cũng là món ngon thời đó. Ảnh: Internet 4. Rau tập tàng nấu cua đồng
Rau tập tàng còn gọi là rau láo nháo, là thứ hỗn hợp gồm đủ loại rau dại như rau dền, rau sam, rau đay... tìm thấy ở vườn nhà hoặc bất kỳ bờ bụi nào. Ngày trước, rau quả cũng rất hiếm, trong vườn trồng đủ thứ, nên đến bữa đi làm đồng về, tranh thủ ra vườn hái nắm rau tập tàng này nấu canh với cua đồng ăn với cơm rất tuyệt.Ảnh: Internet 5. Tép sông kho khế
Thời bao cấp thịt, cá không nhiều mà lại đắt đỏ, còn tép sông giá rẻ, lại dễ kiếm hơn nhiều lại là nguồn đạm rất quan trong trong bữa ăn ngày trước. Nên mỗi khi cất được mớ tép sông thì xem như bữa đó có bữa cơm tươm tất. Cách chế biến tép phổ biến nhất là rang khế ăn cùng cơm nóng. Ảnh: Internet 6. Hạt mít luộc
Ngày nay hạt mít không mấy ai dùng để ăn mà chỉ cho gia sức hoặc ... vứt vào sọt rác, nhưng thời bao cấp lại là món ăn quen thuộc. Mỗi khi hái mít, sau khi ăn hết, dành hạt mít lại, rửa sạch luộc lên ăn riêng hoặc độn vào cơm rất bùi và thơm. Cũng có lúc nhiều quá, phơi khô cất để ăn dành. Ảnh: Internet 7. Cà pháo dầm tương
Trong mâm cơm thời bao cấp không bao giờ thiếu được đĩa cà pháo dầm tương. Cà dầm tương ngày nay là món phụ, nhưng ngày xưa từng là món "chủ lực" giúp đưa cơm trong bữa ăn của nhiều gia đình nông thôn Việt Nam. Ảnh: Internet 8. Canh dưa nấu lạc
Thời bao cấp, ở quê, nhà nào cũng sẵn vại cà, vại dưa để trong góc bếp. Đến khi dưa đã chua thì cũng gần hết, vớt ra nấu với lạc sống giã nhỏ thành món canh vừa chua vừa ngọt, có vị bùi béo khó quên . Ngày ấy chỉ tận dụng những củ lạc vừa mót được từ ruộng mới thu hoạch là được một nồi canh ngon ngọt cải thiện bữa ăn đạm bạc cho cả gia đình 9. Ngọn sắn muối chua
Thời bao cấp, sắn được trồng nhiều vô kể, không chỉ ở miền núi mà cả đồng bằng, sắn được trồng ngoài ruộng, trong vườn, bờ ao. Thời khó khăn, gạo thì thiếu mà rau cũng khan, cơm độn ngô, sắn nhiều hơn gạo, rau dưa là những thứ tự trồng được ở vườn nhà. Những ngọn sắn non cũng được tận dụng để muối chua ăn như dưa muối, nhưng có thêm vị bùi bùi, ngọt ngọt của vị lá sắn muối chua. 10. Rau muống ao chấm tương
Thời bao cấp, rau muống ao được thả thành bè hoặc được trồng dưới mương nước đầy, không phun tưới gì, ngọn to, non mỡ, luộc lên chấm với tương nhà làm ăn vừa giòn vừa ngọt. Cứ mở vại tương thơm lừng ở góc mái hiên nhà là lại muốn xà ra ao hái một mớ rau muống cho bữa ăn đạm bạc mà thanh cao. Những món ăn của một thời của quê nghèo, đạm bạc và thiếu thốn nhưng đã nuôi sống cả một thế hệ khôn lớn, trưởng thành hơn trong cuộc sống nhiều chông gai, biết trân trọng bản thân, biết quý những giá trị của cuộc sống, nâng niu và giữ gìn... Đối với thế hệ sinh sau năm 1986, thật khó có thể hình dung một thời bao cấp mà cha anh đã trải qua. Những ấn tượng về cuộc sống ngày ấy khiến nhiều người vẫn ước gì có thể quay ngược thời gian để chứng kiến câu chuyện chỉ có ở một thời… |
Thái Bình