(Baonghean.vn) - Cây ngô đồng, trúc đào, đỗ quyên và vạn niên thanh là những loài cây thường gặp nhưng lại chứa độc tố có thể gây nguy hại cho bạn.
» Cửa Lò: Hơn 50 học sinh tiểu học bị ngộ độc vì ăn quả ngô đồng
» 54 học sinh ngộ độc do ăn hạt ngô đồng đã xuất viện
1. Hạt của cây ngô đồng
Cây ngô đồng thân gỗ có tên khoa học là Firmiana simplex thuộc họ Trôm Sterculiaceae. Tại Việt Nam, loài cây này được gọi là cây bo rừng hoặc cây trôm đơn. Mỗi cây ngô đồng thân gỗ có thể cao đến 7m. Cây thường mọc hoang trong rừng, đặc biệt là rừng mưa nhiệt đới hoặc trên đất của đá vôi. Đến mùa vụ, người ra thường thu hoạch hạt và lá, hạt.
Mặc dù thân, lá và nhựa là bài thuốc quý song quả và hạt cây ngô đồng lại chứa chất curcin rất độc, có thể gây bệnh ở gan và hệ tiêu hóa. Nếu trẻ nhỏ không may ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng. Trường hợp ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, xuất huyết tiêu hóa.
2. Trúc đào
Có thể bạn thấy đây là một loài cây bụi có hoa rất thu hút, hấp dẫn, nhưng bạn đừng để bị mắc lừa! Trúc đào là một trong những loại cây độc hại nhất trong các loại cây thường được trồng tại các khu vườn. Mặc dù trúc đào đặc biệt độc hại đối với trẻ em, nhưng do không biết nên người ta vẫn trồng nó ở các sân trường.
Ăn phải trúc đào có thể gây ra các triệu chứng đối với cả đường ruột và tim mạch. Các triệu chứng đường tiêu hóa có thể bao gồm buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, các tổn thương vùng bụng, tiêu chảy có thể lẫn hay không lẫn máu.
Các triệu chứng đường tim mạch bao gồm loạn nhịp tim, đôi khi với đặc trưng là đầu tiên nhịp nhanh sau đó chậm dưới mức bình thường. Tim có thể đập thất thường và không có dấu hiệu của nhịp cụ thể. Các trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới nhợt nhạt da và lạnh do tuần hoàn máu kém hay không ổn định. Các tác động do ngộ độc loài cây này cũng có thể tác động tới hệ thần kinh trung ương.
Các triệu chứng này có thể bao gồm thẫn thờ, run rẩy chân tay và các cơ, tai biến ngập máu, xẹp và thậm chí là hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa trúc đào có thể gây tấy rát da, sưng, tấy rát mắt nghiêm trọng và các phản ứng dị ứng đặc trưng của viêm da.
3. Cây hoa ngũ sắc
Thơm ổi, hay còn gọi là hoa ngũ sắc, có tên khoa học là Lantana Camara L, quả có chất độc lantanin alkaloid hoặc lantadene A, gây bỏng rát đường ruột, giãn cơ, rối loạn tuần hoàn máu và có thể dẫn đến tử vong.
4. Cây cà độc dược
Loại cây này có rất nhiều tên như Belladonna, Devil’s Berries (quả của ác quỷ) và Death Cherries (những quả anh đào chết). Cả lá và quả đều rất độc, nếu trẻ em ăn phải sẽ gây tử vong.
Là một loại cây độc nhất ở khu vực Tây bán cầu, chất độc của nó gây mê sảng, ảo giác, giãn đồng tử, nhạy cảm với ánh sáng, tim đập nhanh, mất thăng bằng, đau đầu, phát ban, khô miệng và họng, líu lưỡi, táo bón và co giật. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người dính phải chất độc của cây sẽ tử vong do chất độc sẽ làm gián đoạn các hoạt động của một số cơ quan trên cơ thể như tuyến mồ hôi, hơi thở, và nhịp tim.
5. Cây thông thiên
Là loài cây thuộc họ Trúc đào có lá hình mác, mọc so le, thân cây cao khoảng 3 đến 4 mét. Thông thiên có xuất xứ từ châu Mỹ. Hiện nay, loài cây này được trồng nhiều ở ven đường.
Ở Việt Nam, hoa thông thiên có màu vàng rực, ở một số nơi khác hoa có màu vàng cam, hoa thường có 5 cánh. Trái có hình thoi màu xanh. Cây này có chứa nhiều chất độc ở hoa, lá, quả và hạt. Các độc tố bao gồm: thevetin, neriin, glucozid...có thể gây tử vong ở người.
6. Xương rồng kiểng
Xương rồng kiểng có tên khoa học là Euphorbia trigona. Nhựa cây có thể gây bỏng da và mắt nếu tiếp xúc, gây tê cứng lưỡi và miệng, nôn mửa nếu ăn phải.
7. Cây đại hoàng
Rất nhiều người thích ăn những món tráng miệng được làm từ thân của loài cây này như bánh Đại hoàng (Rhubarb Pie) mà họ không biết rằng ăn lá đại hoàng sống có thể gây tử vong. Ăn một lượng nhiều lá đại hoàng sống hoặc dù đã nấu chín sẽ gây khó thở, nhiệt miệng và cổ họng, nếu trong vòng 1h không được cấp cứu, sẽ dẫn đến co giật, xuất huyết trong, hôn mê và cuối cùng sẽ dẫn đến tử vong.
8. Cây trạng nguyên
Trạng nguyên là một loài cây nổi bật với những phiến lá bắc trên cùng có màu đỏ lửa, hồng hay trắng với chùm hoa vàng nho nhỏ ở giữa. Trạng nguyên hay được ưa chuộng bày trong nhà dịp Giáng Sinh, lễ tết bởi dáng vẻ tươi vui cùng cái tên may mắn của mình. Tuy vậy, nhựa cây trạng nguyên có thể gây kích ứng cho da và mắt giống như các loài cây cùng họ Thầu dầu (Đại kích). Nếu ăn phải lá trạng nguyên có thể bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.
9. Cây vạn niên thanh
Là loài xanh quanh năm, xuất xứ từ rừng nhiệt đới Bắc Nam Mỹ và Tây Ấn. Là một trong những loại cây lá màu được sử dụng phổ biến, cây dễ trồng với nhiều chủng loài đa dạng và được ứng dụng trong trang trí nội ngoại thất, nhưng cũng là loại thực vật độc nhất thế giới. Nhai bất cứ phần nào của loại cây này đều gây ra những cơn đau dữ dội trong miệng và cổ họng, tiết nhiều nước bọt, và trong một số trường hợp là sưng cổ họng và dẫn đến nghẹt thở.
10. Cây đỗ quyên
Hoa đỗ quyên là loại hoa cảnh được nhiều người yêu thích. Ngày Tết, các gia đình Việt hay trồng một vài chậu đỗ quyên trong nhà để cầu chúc sung túc, đủ đầy trong năm mới. Trong rễ, thân, lá và hoa của cây đỗ quyên đều chứa chất độc khiến buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, khó thở. Trẻ em nặng 25kg sẽ bị ngộ độc nếu ăn từ 100 - 250g lá đỗ quyên.
Hoa Lê
(Tổng hợp)