Con tàu đắm 4.000 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ, hình vẽ 40.000 năm trong hang động ở châu Á là hai trong số những khám phá khảo cổ học nổi bật nhất của năm nay.
 
Con tàu đắm lâu đời nhất 
 
images1110120_4.jpg
 
Trong cuộc khai quật tại cảng Urla, di chỉ khảo cổ học dưới nước ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà khoa học phát hiện một con tàu bị chìm có niên đại 4.000 năm. Đây là con tàu đắm lâu đời nhất con người từng biết đến ở Địa Trung Hải và trên toàn thế giới.
 
Hình vẽ trong hang động ở châu Á
 
Hơn 100 bức vẽ bàn tay người và hình vẽ động vật được phát hiện trong hang động ở đảo Sulawesi, Indonesia, có niên đại cách đây 40.000 năm. 
 
Khối đá cổ đại lớn nhất do con người đẽo
 
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học Đức tìm thấy khối đá cổ đại lớn nhất tại một mỏ đá vôi ở Baalbek, Lebanon. Nơi đây từng được biết đến với tên gọi Heliopolis - thành phố ánh nắng mặt trời trong thời kỳ La Mã. Khối đá một phần bị chôn vùi dưới mặt đất. Tảng đá nguyên khối dài 19,6 m, rộng 6 m, cao ít nhất 5,5 m, nặng ước tính 1.650 tấn. Nó được dùng làm nền của đền thờ thần Jupiter.
 
Hình khắc trên vỏ động vật thân mềm 500.000 năm tuổi
 
 
Vỏ động vật thân mềm được tìm thấy trên đảo Java, Indonesia. Nó có niên đại cách đây từ 430.000 đến 540.000 năm và chứa những nét chạm khắc của người Homo erectus. Đây là tổ tiên của con người hiện đại, xuất hiện khoảng 1,9 triệu năm trước và tuyệt chủng cách đây 150.000 năm. Phát hiện trên thách thức định kiến rằng, chủng người hiện đại Homo sapiens là người đầu tiên tạo ra những phác họa trừu tượng và hình thức giao tiếp bằng văn bản.
 
Người Neanderthal có thể đã giao phối với tổ tiên loài người
 
Các nhà khoa học phân tích DNA cổ xưa nhất của chủng người hiện đại Homo sapien, lấy từ mẫu xương đùi 45.000 tuổi được tìm thấy năm 2008, trên bờ sông Irtysh, gần khu định cư Ust'-Ishim, Siberia. Theo kết quả nghiên cứu, mẫu xương chứa 2% DNA của người Neanderthal, cùng tỉ lệ với người châu Âu hiện đại ngày nay. Điều này cho thấy quá trình giao phối giữa người Neanderthal và người hiện đại có thể xảy ra khoảng 50.000 đến 60.000 năm trước.
 
Phát hiện pharaoh mới ở Ai Cập
 
Các nhà khảo cổ Ai Cập tìm thấy nơi chôn cất và hài cốt của một pharaoh ở miền nam Abydos, tỉnh Sohag, hồi tháng 1. Vị pharaoh từng cai trị Ai Cập cách đây 3.600 năm tên là Seneb kay (Senebkey). Ông nằm trong quan tài bằng gỗ, bên trong một ngôi mộ đá bị hư hỏng nặng và không có mái che. Tên của ông chưa bao giờ xuất hiện trong lịch sử Ai Cập thời cổ đại. Nhóm nghiên cứu khám phá ra tên ông nhờ chữ tượng hình trên vòng tròn hình oval khắc tên và tước hiệu vị vua Ai Cập.
 
Thành phố của người Maya trong rừng
 
 
Dấu tích hai thành phố của người Maya cổ đại bao gồm một cánh cửa có hình miệng quái vật, ngôi đền kim tự tháp đổ nát và tàn tích cung điện. Chúng được khai quật trong một khu rừng rậm thuộc trung tâm bán đảo Yucatan, phía đông nam bang Campeche, Mexico. Hai thành phố tiếp tục gợi mở những câu hỏi mới về sự đa dạng văn hóa của người Maya.
 
Ngôi mộ cổ Hy Lạp
 
Các nhà khảo cổ Hy Lạp phát hiện ngôi mộ cổ trên đồi Kasta, thuộc khu vực Amphipolis, cách thủ đô Athens 600 km về phía bắc. Ngôi mộ có từ thời Alexander Đại đế, khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Lối vào hầm mộ có hai bức tượng nhân sư canh gác làm từ đá cẩm thạch, bị mất đầu và thiếu cánh nhưng đều được phục hồi lại. Ngôi mộ ẩn chứa những bí mật giấu kín suốt 2.300 năm.
 
Kiến trúc xung quanh bãi đá cổ Stonehenge
 
Khi lập bản đồ cảnh quan ẩn bên dưới bề mặt bãi đá cổ Stonehenge, các nhà khảo cổ phát hiện những gò chôn cất, nhà thờ, lăng mộ, hố và cấu trúc khác chưa từng thấy trước đây. Phát hiện làm thay đổi đáng kể quan điểm cho rằng Stonehenge là cảnh quan chính duy nhất của khu vực.
 
Rãnh bí ẩn ở rừng mưa nhiệt đới Amazon
 
 
Giới khảo cổ từng phát hiện nhiều đường bí ẩn và dạng hình học được chạm khắc ở cảnh quan khu vực Amazon từ hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy nó xuất hiện trước đó rất lâu. John Francis Carson từ Đại học Reading, Anh, cùng nhóm nghiên cứu phân tích lõi trầm tích chứa hạt phấn hoa cổ xưa và than củi có niên đại 6.000 năm. Kết quả cho thấy, trầm tích không có nguồn gốc từ hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Khoảng 2.000- 3.000 năm trước, cảnh quan ở đây trông giống thảo nguyên châu Phi. Việc đào bới phải tiến hành trước khi xảy ra quá trình chuyển đổi từ cảnh quan thảo nguyên trở thành rừng mưa nhiệt đới.
 
Theo VnExpress