(Baonghean.vn) - Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016; tăng cường an toàn giao thông đường thủy nội địa; 6 hình thức kỷ luật công chức, viên chức vi phạm pháp luật thi hành án hành chính; ban hành các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh ... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua.
1- Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016
Trong 2 ngày từ 30-6 đến 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2016; trong đó, sáng ngày 30-6 thảo luận về xây dựng pháp luật, chiều 30-6 và ngày 1-7 họp trực tuyến với sự tham gia của Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Chính phủ Nghị quyết 59/NQQ-CP trong đó khẳng định sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; kiên trì, kiên quyết không thay đổi mục tiêu phấn đấu; khuyến khích khởi nghiệp, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn...
2- Thủ tướng Chính phủ chỉ thị tăng cường ATGT đường thủy nội địa
Theo đó, để tiếp tục ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện giao thông và công trình kết cấu hạ tầng giao thông trên sông và vùng nước đường thủy nội địa khu vực ven biển, Thủ tướng yêu cầu Bộ GT-VT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm kéo giảm sâu tai nạn giao thông đường thủy 6 tháng cuối năm để bảo đảm mức giảm chung của cả năm 2016 từ 5% đến 10%. Đồng thời, tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy nội địa và thuyền viên, người lái phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, hoàn thành trong năm 2017.
Nghiêm cấm phương tiện xuất bến khi vi phạm chở quá tải trọng, quá số người và thiếu các phương tiện cứu sinh cho hành khách theo quy định.
Tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện thủy nội địa, nhất là các phương tiện chở khách, tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, tàu hoạt động từ bờ ra đảo, giữa các đảo; tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện không đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm.
Cùng với đó, Bộ Công an chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa là nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn như phương tiện chở quá tải, quá số người quy định, không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định...; phát hiện và khắc phục dứt điểm các “điểm đen” tai nạn giao thông đường thủy; chỉ đạo làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn; Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn đối với vận tải hành khách ngang sông trên địa bàn quản lý.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến năm 2014, tai nạn giao thông đường thủy giảm liên tục cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, năm 2015, số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 21,77%, số người chết tăng 20,34%, số người bị thương tăng 44,44% so với năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông đường thủy tuy có giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông, gây thiệt hại lớn về tài sản…
3- Điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô
Ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo lái xe ô tô.
Nghị định quy định cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đủ xe tập lái các hạng tương ứng với lưu lượng đào tạo ghi trong giấy phép đào tạo lái xe. Cơ sở đào tạo lái xe ô tô có dịch vụ sát hạch lái xe được sử dụng ô tô sát hạch để dạy lái với thời gian không quá 50% thời gian sử dụng xe vào mục đích sát hạch. Xe tập lái phải có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực; có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng…
Cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải có đội ngũ giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp quy định tại khoản 4 Điều 53 Luật giáo dục nghề nghiệp; Đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ sư phạm theo quy định; Số lượng giáo viên cơ hữu phải đảm bảo 50% trên tổng số giáo viên của cơ sở đào tạo.
Điều kiện giáo viên dạy lý thuyết: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ô tô chiếm 30% trở lên; Trình độ A về tin học trở lên; Giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có giấy phép lái xe tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.
Điều kiện giáo viên dạy thực hành: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên, kể từ ngày được cấp; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.
Về trung tâm sát hạch lái xe, Nghị định quy định, Trung tâm phải được thành lập theo quy định của pháp luật. Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 và loại 2 được xây dựng phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm sát hạch của Bộ Giao thông vận tải; trung tâm sát hạch lái xe loại 3 được xây dựng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
4- Điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Nghị định này quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế bao gồm: Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Nghị định quy định điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gồm: Điều kiện đối với cơ sở; điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ.
Trong đó, về điều kiện đối với cơ sở, Nghị định yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm; khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hoá chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.
Bên cạnh đó, cơ sở phải có đủ dụng cụ thu gom chất thải rắn có nắp đậy. Dụng cụ chứa đựng chất thải rắn nguy hiểm phải có ký hiệu để phân biệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nếu không có hệ thống xử lý chất thải rắn thì phải có hợp đồng kinh tế thu gom với tổ chức, cá nhân được phép xử lý rác thải rắn khác trên địa bàn địa phương.
Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu thực phẩm và bao bì thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu: Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến sử dụng trong sản xuất thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn; bao bì thực phẩm phải bảo đảm chắc chắn, an toàn; không thôi nhiễm và bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm...
Về điều kiện đối với thiết bị, dụng cụ, Nghị định yêu cầu thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất; bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Thiết bị, dụng cụ sản xuất di động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và làm vệ sinh.
Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm; dễ làm vệ sinh, bảo dưỡng; không làm nhiễm bẩn thực phẩm do dầu mỡ bôi trơn, mảnh vụn kim loại.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm và đánh giá được chỉ tiêu cơ bản về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu không có thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm thì phải có hợp đồng kinh tế với tổ chức, cá nhân được phép kiểm nghiệm khác;...
5- Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng
Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải đáp ứng sáu điều kiện, trong đó đáng chú ý là điều kiện về người quản lý doanh nghiệp và vốn đầu tư tối thiểu.
Theo đó, người quản lý doanh nghiệp mua bán nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận; là người quản lý hoặc có ít nhất năm năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ.
Những người đã làm việc trong doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong ba năm trước liền kề.
Doanh nghiệp phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỉ đồng.
Ngoài ra, các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau: Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ; bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.
Bên mua nợ, bên bán nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp sử dung ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.
6- Có 6 hình thức kỷ luật CCVC vi phạm pháp luật thi hành án hành chính.
Nghị định nêu rõ, CCVC có hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo 6 hình thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.
Cụ thể, hình thức kỷ luậtkhiển trách áp dụng đối với CCVC có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: 1- Chậm thi hành án; 2- Chấp hành nhưng không đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án trong thời hạn tự nguyện quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng hành chính; 3- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành án; ...
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với CCVC có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;....
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả nghiêm trọng...
Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính, để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nghị định cũng nêu rõ, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi này thì bị xử lý kỷ luật cách chức.
Ngoài ra, hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với CCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án.
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với CCVC có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hánh án hành chính: Sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án.
7- Không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm xâm hại danh dự cá nhân
Theo Nghị định số 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh, khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, tổ chức, cá nhân không tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; không tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; không kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước; không truyền bá tư tưởng phản động.
Tổ chức, cá nhân không sửa chữa, ghép tác phẩm nhiếp ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; không xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; không vu khống, xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân không vi phạm các quy định về nếp sống văn minh, thuần phong mỹ tục, an ninh, trật tự; không tuyên truyền bạo lực, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội gây hại cho sức khỏe, hủy hoại môi trường sinh thái và vi phạm các quy định khác của pháp luật; không mua, bán, sử dụng, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm pháp luật hoặc đã có quyết định đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh không thực hiện đúng trách nhiệm quy định ở trên sẽ thu hồi giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh.
Khuyến khích phát triển thị trường nhiếp ảnh: Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ sáng tác, đặt hàng sáng tác, sưu tầm, lưu trữ tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị cao, phục vụ những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh và phát triển thị trường nhiếp ảnh theo quy định của pháp luật; khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động nhiếp ảnh. Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ mà nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động nhiếp ảnh.
8- Đầu tư 3 dự án phục vụ giáo dục thể thao trường học
Thứ nhất là Dự án đầu tư một số hạng mục hạ tầng và rèn luyện thể chất tại Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quản lý.
Dự án nhằm từng bước đầu tư hợp lý cơ sở vật chất để bảo đảm tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ đoàn, đội cho các địa phương khu vực phía nam, từng bước đưa Phân viện miền Nam (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) hòa nhập vào hệ thống giáo dục đại học quốc dân. Dự án này được thực hiện từ năm 2017 - 2018 với tổng mức đầu tư dự kiến là 20 tỷ đồng tại Phân viện miền Nam (Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, số 261 Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).
Thứ hai là Dự án xây dựng Khu Giáo dục thể chất Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý. Theo đó, sẽ xây dựng Khu Giáo dục thể chất cao 2 tầng và các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật (sân vườn, cây xanh, đường giao thông); lắp đặt các trang thiết bị cần thiết, phục vụ hoạt động đồng bộ. Thời gian thực hiện Dự án vào năm 2017 với tổng mức đầu tư dự kiến 10,3 tỷ đồng.
Thứ ba là Dự án xây dựng Nhà Thể chất Học viện Phụ nữ Việt Nam do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý nhằm phục vụ dạy và học môn giáo dục thể chất, phát triển hài hòa trí tuệ và thể lực, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghề nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Về quy mô, nội dung đầu tư, xây dựng Nhà Thể chất cao 3 tầng; trang bị hệ thống kỹ thuật đồng bộ (cấp điện, cấp và thoát nước, điều hòa không khí, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy, chống sét...); trang thiết bị phục vụ tập luyện giáo dục thể chất.
Dự án được thực hiện từ năm 2017 - 2019 với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,997 tỷ đồng tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, số 68 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
9- Quy định điều kiện đầu tư kinh doanh thủy sản
Nơi bán thức ăn chăn nuôi tách biệt với phân bón, thuốc BVTV: Theo nghị định, điều kiện đầu tư sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản bao gồm: Có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn chăn nuôi; chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, công nghệ thực phẩm đối với thức ăn thủy sản. Cơ sở có tường, rào ngăn cách với bên ngoài. Khu vực sản xuất bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, tách biệt giữa các khu vực từ nguyên liệu đầu vào, khu sản xuất, khu sản phẩm cuối cùng.
Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện buôn bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Cụ thể, phải có kho, thiết bị, dụng cụ để bảo quản sản phẩm; có nơi bày bán thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại; phòng, chống côn trùng, động vật gây hại.
Về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, Nghị định nêu rõ, phải có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở khảo nghiệm thức ăn thủy sản.
Điều kiện đầu tư kinh doanh nuôi trồng thủy sản: Về điều kiện đầu tư sản xuất giống thủy sản, Nghị định yêu cầu có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải.
Về điều kiện đầu tư nuôi trồng thủy sản, đối với cơ sở nuôi trong ao hoặc bể cần có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải. Đối với cơ sở nuôi lồng, bè cần có dụng cụ thu gom, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, cần đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
Về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm giống thủy sản, Nghị định yêu cầu phải có nhân viên kỹ thuật trình độ đại học trở lên về nuôi trồng thủy sản; có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt; có nơi xử lý chất thải.
Tàu đủ điều kiện mới được khai thác thủy sản: Còn về điều kiện đầu tư khai thác thủy sản, Thuyền trưởng, máy trưởng phải có bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng tư đối với tàu cá từ 400 CV trở lên; hạng năm đối với tàu cá từ 90 CV đến dưới 400 CV; hạng nhỏ đối với tàu cá từ 20 CV đến dưới 90 CV. Có tàu cá được cơ quan đăng kiểm tàu cá chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật đối với tàu cá có chiều dài đường nước thiết kế từ 15m trở lên không lắp máy hoặc có lắp máy mà tổng công suất máy chính từ 20 CV trở lên.
10- Phê chuẩn nhân sự 16 địa phương
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký các Quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm: Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang, Lào Cai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bắc Kạn, Nam Định, Bến Tre, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Định, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Điện Biên.
Thái Bình(Tổng hợp)