Trong bối cảnh lãnh thổ của tổ chức khủng bố IS thu hẹp nhanh chóng, thế giới đứng trước 10 kịch bản chiến tranh nảy sinh từ cuộc chiến chống IS.

Chiến lược của Mỹ nhằm giành thắng lợi trước tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) phụ thuộc vào các đồng minh trong khu vực và các nhóm vũ trang địa phương vốn thường xuyên xung đột với nhau. Mặc dù tất cả đều coi IS là kẻ thù, nhưng phần lớn họ lại thù địch lẫn nhau.

Sau khi tiến vào lãnh thổ của quân khủng bố, họ cố gắng chiếm lấy những vùng đất đó, tạo ra nguy cơ nảy sinh một cuộc xung đột với các chiến binh khác. Các cuộc chiến mới đang hình thành để tranh giành quyền kiểm soát hậu IS.

images1689376_10_cuoc_chien_moi_nay_sinh_co_the_do_cuoc_chien_chong_is_hinh_0_57df2a1d325e1.jpgCác chiến binh của Quân đội Syria Tự do (FSA) phóng tên lửa "Grad" vào lực lượng chính phủ ở tỉnh Hama. Ảnh: Reuters.

Dưới đây là danh sách 10 cuộc chiến mới “dính dáng” đến cuộc chiến chống IS.Trong số này một số cuộc chiến đã bắt đầu. Bất kỳ cuộc chiến nào như vậy đều có thể tăng cơ hội sống sót cho IS, tạo điều kiện cho tổ chức khủng bố này phát triển,và có thể khiến Hoa Kỳ sa lầy tại khu vực trong nhiều năm:

Cuộc chiến thứ nhất: Giữa lực lượng người Kurd  Syria (được Mỹ ủng hộ) và lực lượng người Arab (được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ)

Đây là một trong những cuộc chiến tranh đã bắt đầu và cũng là một trong những cuộc chiến phức tạp nhất. Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang phát động cuộc chiến chống lại lực lượng người Kurd đòi ly khai, đã tỏ ra lo ngại khi thấy người Kurd ở Syria lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ để mở rộng kiểm soát phần lãnh thổ đông bắc Syria. Quân nổi dậy người Arab ở Syria, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đang chống lại sự mở rộng của người Kurd xâm phạm lãnh thổ của người Arab.

Vì vậy, khi cách đây không lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào Syria để hỗ trợ lực lượng nổi dậy đánh chiếm vùng lãnh thổ do IS kiểm soát, thì rõ ràng người Kurd cũng trở thành mục tiêu như IS. Kể từ đó, cuộc chiến càng trở nên khốc liệt hơn, và mặc dù Hoa Kỳ đề nghị cả hai bên ngừng lại, nhưng không rõ liệu họ có đủ sức gây ảnh hưởng lên các đồng minh của mình nhằm tránh xung đột leo thang hay không.

Cuộc chiến thứ 2: Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd  Syria

Cuộc chiến này cũng tương tự như cuộc chiến thứ nhất, nhưng quy mô lớn hơn. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã hạn chế đưa quân vào Syria đến khu vực do IS chiếm đóng, nơi sinh sống phần lớn người Arab. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bất an vì sự hình thành nhà nước người Kurd dọc theo biên giới phía đông đất nước.

Người Kurd đã tuyên bố một vùng tự trị ở đây vào đầu năm nay, còn Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại đang xây bức tường dọc biên giới nhằm phong tỏa vùng tự trị đó. Nếu vẫn tiếp tục căng thẳng, thì không thể loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến quân trực tiếp vào khu vực người Kurd, nơi đồn trú số lượng không lớn quân Mỹ.

Xe tăngThổ Nhĩ Kỳ đang tiến về biên giới Syria. Ảnh: AP.

Cuộc chiến thứ 3: Giữa người Kurd  Syria và Chính phủ Syria

Chính phủ Syria cũng cảm nhận có mối đe dọa từ phía người Kurd do tham vọng lãnh thổ của họ. Trước đó không lâu họ đã ủng hộ một liên minh phức tạp, còn Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì khoe rằng, trong nhiều trường hợp Chính phủ của ông đã từng cung cấp vũ khí cho người Kurd. Nhưng mối quan hệ đã xấu đi sau khi người Kurd tuyên bố tự trị, cả hai bên đều đã tiến hành những cuộc chiến ngắn tại những khu vực có các lực lượng đóng quân. Tại đó hiện vẫn còn hiệu lực thỏa thuận ngừng bắn, nhưng nỗ lực của người Kurd nhằm tự trị lại mâu thuẫn với mục tiêu đặt ra của ông Assad là khôi phục chủ quyền Syria trên cả nước.

Cuộc chiến thứ 4: Giữa Hoa Kỳ và Syria

Cuộc chiến này đã có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong 5 năm qua, kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra, có thể là do cả hai bên đều muốn tránh xung đột. Đến nay cuộc chiến này vẫn được cho là ít có khả năng xảy ra. Nhưng vẫn có một số đường ranh giới, nơi cuộc chiến với IS có thể một lúc nào đó sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các nhóm nổi dậy được Mỹ ủng hộ và lực lượng Chính phủ Syria.

Trong số đó có thủ phủ của IS đặt tại Raqqa (Syria), nơi hồi tháng 6 vừa qua Hoa Kỳ và Syria đã ủng hộ các cuộc tấn công từ các hướng đối nghịch nhau. Tháng 8 vừa qua quân đội Mỹ đã sử dụng các máy bay nhằm cản trở máy bay quân sự Syria ném bom người Kurd.

Cuộc chiến thứ 5: Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Hiện tại việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria đang bị hạn chế bởi cuộc chiến chống IS và lực lượng người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành những bước đi nhằm cải thiện quan hệ với Nga và Iran – những đồng minh quan trọng nhất của ông Assad (những nước này dường như đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào phía Bắc Syria). Tuy nhiên, nếu cuộc chiến chống IS của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra suôn sẻ, thì binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng đối mặt với lực lượng chính phủ Syria gần thành phố Aleppo. Và khi đó tình hình có thể sẽ trở nên nghiêm trọng.

Cuộc chiến thứ 6: Giữa người Kurd ở Iraq và Chính phủ Iraq

Dọc theo biên giới đang thu hẹp của IS đến sườn phía đông Syria trên lãnh thổ Iraq tình hình ít bất ổn hơn đôi chút, nhưng cũng không kém phần phức tạp và nguy hiểm. Người Kurd ở Syria đã mở rộng các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát bằng các phương thức đe dọa đến chủ quyền của Chính phủ Syria, còn người Kurd ở Iraq di chuyển đến những khu vực Iraq vốn có lúc thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ nước này.

Chính phủ Iraq được Mỹ ủng hộ tuyên bố ý định sẽ thu hồi những vùng đất này sau khi IS bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong khi đó, lực lượng người Kurd cũng do Mỹ ủng hộ thì tuyên bố, họ sẽ không trao trả một mẩu đất nào mà họ đã hy sinh xương máu để giành được. Những tranh chấp này đã tồn tại cho đến khi xuất hiện IS, và chúng sẽ hồi sinh gấp đôi sau khi đánh bại quân khủng bố.

Quân đội Iraq chiến đấu chống IS dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ tại tỉnh Akbar. Ảnh:

Cuộc chiến thứ 7: Giữa người Kurd ở Iraq và lực lượng dân quân người Shiite

Cuộc chiến này có thể đã xảy ra do nhiều nguyên nhân như cuộc chiến thứ 6, nhưng lại mang một sắc thái riêng, đó là nó đã bắt đầu. Các chiến binh người Shiite (nhiều người trong số họ được Iran ủng hộ) đảm nhận vai trò trong một số chiến dịch đánh chiếm lãnh thổ IS. Họ đang tiến quân về phía bắc thủ đô Baghdad để đánh đuổi quân khủng bố. Họ cũng chống lại các đồng minh của Hoa Kỳ, bao gồm các chiến binh lực lượng kháng chiến Peshmerga người Kurd tấn công xuống phía nam từ lãnh thổ người Kurd. Ít nhất tại một khu vực là Tuz Khurmatu đã xảy ra các vụ xung đột. Tuy nhiên, chính người Kurd không thống nhất được cả ở Syria, cả ở Iraq, nên một cuộc chiến nữa vẫn có thể xảy ra.

Cuộc chiến thứ 8: Giữa người Kurd và người Kurd

Đây có lẽ là kịch bản phức tạp nhất trong tất cả các kịch bản, và điều này là hoàn toàn có thể xảy ra. Người Kurd bất đồng quan điểm liên quan đến mọi thứ, ngoại trừ nỗ lực thành lập một nhà nước người Kurd. Người Kurd ở Iraq bị chia thành hai nhóm vốn đã từng tiến hành cuộc nội chiến đẫm máu vào thập niên 1990. Một trong hai nhóm đó là kẻ thù không đội trời chung của người Kurd hiện đang kiểm soát phía bắc Syria. Nhóm còn lại là đồng minh của người Kurd ở Syria. Một cuộc xung đột giữa các nhóm người Kurd (đều là các đồng minh của Mỹ) là có thể xảy ra hoặc ở Iraq, hoặc ở Syria, hoặc ở cả hai nước này.

Cuộc chiến thứ 9: Người Arab dòng Sunni chống lại người Shiite hoặc người Kurd

Trong khi chiến đấu chống IS thì các thành phố và làng mạc với người Sunni chiếm ưu thế bị phần lớn lực lượng người Kurd hoặc người Shiite đánh chiếm. Nhiều người dòng Sunni liên kết lại với họ để hỗ trợ đánh bại các chiến binh. Người ta sẽ thấy yên tâm khi đánh đuổi những kẻ áp bức đi.

Tuy nhiên vẫn có thông tin cho rằng, người Shiite và người Kurd lợi dụng cộng đồng người Sunni được họ giải phóng. Chẳng hạn như việc sử dụng bạo lực để đuổi người Sunni ra khỏi nhà của họ và bắt giữ hàng loạt những người đàn ông dòng Sunni. Vì không có hòa giải thực sự, cũng như không có những quyết sách chính trị nhằm tăng quyền hạn cho người Sunni, nên có thể sẽ xuất hiện một phong trào nổi dậy mới của người Sunni.

Cuộc chiến thứ 10: Tàn quân của tổ chức IS chống lại tất cả

IS vẫn còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq. Những cuộc tấn công để giành kiểm soát thủ phủ của họ là Mosul và Raqqa hiện đang được lên kế hoạch. Nếu các nhóm tham gia tấn công chiến đấu với nhau, thì những trận chiến này có thể chuyển sang vô thời hạn.

Thậm chí, nếu không thì các cuộc xung đột khác vẫn sẽ không được giải quyết. Đó là nguyên nhân gây bất ổn kéo dài trong khu vực. Thắng lợi chiến sự không thể được quyết định bằng con đường chính trị. Chính điều này trước đó đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn và nảy sinh các vấn đề, mà trước hết là kích thích sự phát triển của IS. Nếu cuộc chiến hiện tại làm nảy sinh những cuộc chiến mới, thì IS vẫn tiếp tục sống sót./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN