Phải thừa nhận rằng đắp mặt nạ là một trong những “phép thuật” chăm sóc da rất tốt vì nó thường đem lại sự tươi mát, mịn màng cho làn da. Tuy nhiên, cũng như thuốc, mặt nạ dưỡng da nếu không biết sử dụng đúng thì cũng sẽ có tác dụng phụ, thậm chí để lại những hậu quả đáng tiếc…
Cần “hiểu” về da trước khi dùng mặt nạ
Mỗi loại da mặt lại cần có cách chăm sóc khác nhau. Ví dụ: da khô, sử dụng loại mặt nạ (MN) tăng cường độ ẩm và khoáng chất sẽ thấy da tươi mịn ngay sau khi dùng. Da dầu, sử dụng luân phiên các loại MN: MN thấm hút dầu, MN làm sạch da và MN giữ ẩm (vì da dầu vẫn thiếu nước).
Không hiểu biết khi đắp MN dưỡng da sẽ gây nên những tác dụng ngược, chẳng khác nào tự hủy hoại nhan sắc. Khi dùng không đúng sản phẩm, da mặt thậm chí bị sưng đỏ thay vì trắng mịn như quảng cáo và thường là phải tìm đến bác sĩ để được điều trị thì mới giúp cho da trở lại trạng thái ban đầu.
Vì thế, cần lựa chọn đúng loại MN phù hợp với da của mình và thực hiện theo đúng hướng dẫn ghi trên sản phẩm để an toàn và đạt được hiệu ứng tối đa. Ngoài ra, MN cần được lựa chọn thời gian thực hiện. Các chuyên viên làm đẹp cho rằng, chính thời gian da được thư giãn nghỉ ngơi là điều kiện để công dụng đắp mặt nạ được phát huy tối đa.
Có thể không nhất thiết phải là buổi tối, bạn có thể đắp MN bất cứ lúc nghỉ ngơi nào thấy tiện. Tuy nhiên, buổi tối là lúc da có thể thẩm thấu và hấp thu dưỡng chất cao nhất.
Những điều cần biết về mặt nạ dưỡng da
Tác dụng dinh dưỡng của mỗi loại MN là khác nhau. Cần có hiểu biết về các thành phần của từng loại để sử dụng đúng, phát huy tác dụng lý tưởng của chúng. Tránh tình trạng dùng sai khiến da bị kích ứng mạnh, gây tổn thương cho da.
Có rất nhiều loại MN dưỡng da như MN cao lanh, bột khoáng chất, tảo biển, lô hội... MN làm từ thảo dược có: bạch linh, bạch truật, hoa đào, hoa hồng, hoa bưởi... Hiện có một số loại MN dưỡng da mới, được làm từ nguyên liệu đặc biệt như: nhân sâm, collagen, tế bào gốc, retinol... có công dụng làm trẻ hóa làn da.
Cần dựa vào công dụng làm trắng hay dưỡng ẩm để phân biệt MN trước khi sử dụng. Ví dụ: chanh, dâu tây, sữa chua, dưa leo, lô hội, khoai mỡ… được biết đến là một trong những thực phẩm có công dụng làm trắng da rất tốt. Còn axit hyaluronic, collagen, chiết xuất rong biển lại được biết đến như những dưỡng chất có tác dụng giữ ẩm tuyệt vời…
Do đó, sự lựa chọn phải căn cứ vào chất dinh dưỡng để phân biệt. Tốt nhất là cần hỏi chuyên gia tư vấn uy tín trước khi định mua sản phẩm. Có một số mặt nạ chứa nhiều axit làm trắng thì lại hoàn toàn không nên dùng trong ngày vì nó dễ bị tác động bởi tia UV kích thích hình thành sắc tố da khiến da bị đen hơn.
Thậm chí, MN có thành phần acid nếu dùng quá nhiều sẽ gây kích thích da, đỏ da, ngứa và các vấn đề về da khác. MN dưỡng da cũng có nhiều loại: loại bột, loại miếng (chất liệu vải hoặc giấy tẩm hóa chất) làm theo khuôn mặt, dạng gel lỏng, khi quết lên da mặt sẽ đông lại, dễ dàng kết dính, “ăn sâu” vào lỗ chân lông nên khi “lột” MN cũng sẽ bóc luôn mụn cám, da chết, lông tơ...
Đây là MN đem đến hiệu quả nhanh nhưng “sát thương” cũng mạnh nếu không biết cách sử dụng. Các chuyên gia thẩm mỹ khuyến cáo: Khi bóc MN dạng gel, cần kéo theo chiều từ dưới lên (từ cổ kéo lên phía cằm), từ mang tai ra vùng mũi để không làm hỏng da (như làm to lỗ chân lông, tạo thành nếp nhăn...).
Lưu ý khi đắp mặt nạ
Không nên đắp mặt nạ hàng ngày: Chăm sóc da thường xuyên là một thói quen tốt, tuy nhiên, việc sử dụng MN để dưỡng da mỗi ngày lại không được khuyến khích. Trên thực tế, làn da của bạn rất mong manh, đắp mặt nạ thường xuyên sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ trên bề mặt da khiến da bạn mất khả năng chống lại những tác động môi trường, dễ bị tổn thương.
Đặc biệt, đối với làn da nhạy cảm có thể dẫn đến mẩn đỏ và các triệu chứng khác. Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên dùng mặt nạ dưỡng ẩm 2 - 3 lần/tuần, còn các mặt nạ thuốc thì 1 - 2 lần/tuần là tốt nhất. Nó sẽ đảm bảo sức khỏe cho làn da của bạn mà không mất đi lớp bảo vệ da tự nhiên.
Không đắp mặt nạ quá lâu: Khá nhiều người cho rằng đắp mặt nạ càng lâu càng tốt. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm, việc lưu giữ mặt nạ quá lâu khiến bạn không những không đạt được hiệu quả mong muốn mà chỉ khiến cho bề mặt da bị mất đi độ ẩm. Hầu hết các mặt nạ đều có hướng dẫn sử dụng rõ ràng thời gian đắp, thường là khoảng 15 - 20 phút, đủ để da hấp thụ các chất dinh dưỡng từ mặt nạ và độ ẩm của da cũng được bổ sung trở lại.
Không đắp mặt nạ quá dày: Một lớp mặt nạ dày sẽ có thể tốt ở một khía cạnh nhỏ khi chúng khiến cho nhiệt độ bề mặt da tăng, thúc đẩy lưu thông máu, làm cho chất dinh dưỡng thẩm thấu tốt hơn, bề mặt da sẽ không bị bốc hơi nước, dưỡng chất được giữ lại trong các lớp biểu bì... Nhưng mặt trái của nó là tác động của nhiệt cũng khiến lỗ chân lông mở rộng và cho phép tích tụ bụi bẩn vào sâu bên trong da nhiều hơn, do đó cũng sẽ dễ gây ra mụn trứng cá nhiều hơn. Tốt nhất là chỉ nên đắp 1 lớp vừa đủ.
Không thay đổi quá nhiều loại mặt nạ: Nhiều người không chỉ đắp MN mỗi ngày mà còn thường xuyên thay đổi các loại mặt nạ để cho da có thể hấp thu được càng nhiều loại dưỡng chất càng tốt. Cách chăm sóc này khiến da dễ rơi vào trạng thái quá tải.
Nếu MN dưỡng da là các loại trái cây chua (cà chua, chanh, dâu...) thì da bị “bội thực” chất acid. Hậu quả dễ nhìn thấy bằng mắt là da đỏ ửng, rát... Về lâu về dài, da trở nên “yếu”, dễ dị ứng. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngoại trừ MN điều trị nám, mụn phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, còn các MN dưỡng da chỉ cần dùng một tuần/1-2 lần là đủ và lâu lâu mới thay đổi loại khác.
Nếu là MN dùng lần đầu, cần bôi thử một góc nhỏ ở trán hoặc cổ tay. Nếu không bị dị ứng mới sử dụng tiếp trên da mặt, da cổ. Dùng MN tự chế bằng các loại trái cây cần bảo đảm nguyên tắc vệ sinh (dao, cối giã... phải tiệt trùng trước khi sử dụng). Sau khi làm xong, phải dùng ngay.
Riêng làm đẹp tại các cơ sở chăm sóc da, cần yêu cầu kỹ thuật viên cho xem bao bì sản phẩm và hạn sử dụng. Việc thay đổi quá nhiều loại mặt nạ trong một thời gian ngắn cũng có thể gây kích ứng da cho nên tuyệt đối không lạm dụng.